Nhiều áp lực với nền kinh tế 6 tháng cuối năm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), những bất định của kinh tế thế giới và mức độ thích ứng của kinh tế Việt Nam trong bối cảnh “bình thường mới” sẽ tạo nên áp lực đối với nền kinh tế trong nửa cuối năm nay.

Còn nhiều thách thức với nền kinh tế trong 6 tháng cuối năm

CIEM cho rằng, diễn biến kinh tế 6 tháng cuối năm 2020 có thể chịu ảnh hưởng của một số yếu tố như: kinh tế thế giới còn rất bất định, đặc biệt là khả năng bùng phát lần thứ hai của dịch Covid-19; Việc nhiều nền kinh tế thực hiện các gói hỗ trợ quy mô lớn, trong khi thiếu điều phối ở cấp độ toàn cầu cũng có thể gây ra những rủi ro không nhỏ đối với thị trường tài chính thế giới và tình trạng nợ toàn cầu; Căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể diễn biến phức tạp hơn.

Trong khi đó, ở trong nước, mặc dù EVFTA mang lại nhiều kỳ vọng nhiều tích cực nhưng doanh nghiệp Việt Nam có thể phải đối mặt với các vụ kiện phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh thuế, gian lận xuất xứ…nhiều hơn.

“Mức độ thích ứng của doanh nghiệp trong nước với các vụ kiện phòng vệ thương mại có thể ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và tiêu thụ trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Do vậy, thời gian tới cần tiếp tục tập trung vào cải thiện nền tảng kinh tế vĩ mô và đổi mới hệ thống thể chế kinh tế theo hướng nâng cao khả năng chống chịu, tính tự cường của nền kinh tế xử lý hiệu quả những rủi ro, đặc biệt gắn với Covid-19 trong bối cảnh “bình thường mới”- đại diện CIEM nêu quan điểm.

Ông Phan Đức Hiếu- Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, với 5 thay đổi quan trọng trong Luật Doanh nghiệp 2020, việc phát triển doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư sẽ có động lực tích cực.

Cụ thể là cắt giảm thủ tục hành chính và tạo thuận lợi hơn cho đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường; Nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp và nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phổ biến; Nâng cao hiệu lực quản trị và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước; Thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hoá nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh; tạo thuận lợi hơn cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp.

“Có thể thấy, Luật Doanh nghiệp 2020 sẽ hiện thực hoá đầy đủ quyền tự do kinh doanh trong ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế. Luật Doanh nghiệp 2020 sẽ cải thiện mạnh mẽ chất lượng quản trị nói riêng và doanh nghiệp nói chung, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh quốc gia” – ông Phan Đức Hiếu nói.