Nhiều vụ vi phạm có cán bộ thuế “bật đèn xanh”

(ANTĐ) - Làm thế nào để giảm thất thu thuế là một trong những mối quan tâm lớn của Chính phủ, các Bộ, ngành và nhất là cơ quan quản lý trực tiếp lĩnh vực này là Bộ Tài chính. Do vậy, hành vi “cố ý làm trái” để “giúp” doanh nghiệp trốn thuế của lãnh đạo cấp Vụ cơ quan quản lý này đã gây không ít bất bình.

Nhiều vụ vi phạm có cán bộ thuế “bật đèn xanh”

(ANTĐ) - Làm thế nào để giảm thất thu thuế là một trong những mối quan tâm lớn của Chính phủ, các Bộ, ngành và nhất là cơ quan quản lý trực tiếp lĩnh vực này là Bộ Tài chính. Do vậy, hành vi “cố ý làm trái” để “giúp” doanh nghiệp trốn thuế của lãnh đạo cấp Vụ cơ quan quản lý này đã gây không ít bất bình.

>>>Làm thất thoát hơn 32 tỷ đồng

Báo ANTĐ trích đăng ý kiến của đại diện cơ quan quản lý là Bộ Tài chính và một số chuyên gia kinh tế liên quan đến vấn đề này:

Ông Nguyễn Đức Chi - Chánh văn phòng, Bộ Tài chính:

“Tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng và chức vụ với hai cán bộ vi phạm”

“Liên quan đến việc cơ quan Cảnh sát điều tra khởi tố, bắt tạm giam hai cán bộ Vụ Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) là ông Phan Văn Hiển - Phó vụ trưởng và ông Hoàng Ngọc Nắng Hồng - Trưởng phòng Đầu tư nước ngoài vì hành vi cố ý làm trái trong việc miễn, giảm thuế trái quy định cho một số doanh nghiệp tại tỉnh Đồng Nai, lãnh đạo Bộ đã tạm đình chỉ sinh hoạt Đảng và chức Vụ phó đối với ông Hiển và chức Trưởng phòng đối với ông Hồng để phục vụ công tác điều tra.

Trong thời gian cuối năm 2007, Thanh tra Bộ Tài chính cũng đã tiến hành thanh tra và phát hiện một số trường hợp miễn, giảm thuế không đúng quy định và đã tiến hành thu hồi”.

Tội phạm tham nhũng ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường đầu tư (ảnh có tính minh họa)

Tội phạm tham nhũng ảnh hưởng không nhỏ tới
môi trường đầu tư (ảnh có tính minh họa)

Vụ Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) có chức năng giúp Bộ trưởng Bộ Tài chính thực hiện vai trò đại diện Chính phủ và Nhà nước trong các quan hệ tài chính với nước ngoài; thống nhất quản lý Nhà nước về vay và trả nợ nước ngoài của Chính phủ, vay và trả nợ nước ngoài của quốc gia; quản lý các nguồn viện trợ quốc tế; quản lý tài chính đối với lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài; quản lý quỹ ngoại tệ tập trung thuộc ngân sách Nhà nước.

Tiến sỹ Nguyễn Minh Phong - Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội:

“Tổng rà soát chống thất thu thuế”

“Thất thu thuế là một thực trạng “nóng bỏng” hiện nay, diễn ra ở nhiều địa phương với nhiều cấp độ, quy mô khác nhau. Điều đáng quan tâm hiện nay là không ít những vụ trốn thuế được phát hiện đều có sự “bật đèn xanh” của các cán bộ ngành thuế mà trường hợp một số lãnh đạo Vụ Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính “giúp sức” cho một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tại Đồng Nai là một vụ việc điển hình.

Thất thu ngân sách vẫn còn lớn.

Đó là kết quả kiểm toán năm 2007 về niên độ ngân sách năm 2006 do Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa công bố mới đây.

Qua kiểm toán hồ sơ thuế của 470 doanh nghiệp tại cơ quan Thuế ở 29 tỉnh, KTNN xác định các khoản thuế phải nộp NSNN tăng thêm là hơn 237 tỷ đồng.

Có 12/29 địa phương còn một số trường hợp hoàn thuế sai quy định hơn 8,1 tỷ đồng, chủ yếu xác định sai thuế GTGT đầu vào hoặc sai thuế suất; 11/29 địa phương còn một số trường hợp miễn giảm thuế không đúng đối tượng, KTNN kiến nghị thu hồi trên 20 tỷ đồng.

Tính tổng lại, KTNN đã phát hiện và kiến nghị tăng thu NSNN là hơn 2.764 tỷ đồng, trong đó thuế nội địa là 794 tỷ đồng, thuế XNK 157 tỷ đồng; phí, lệ phí 58 tỷ đồng...

Và đây cũng là một trong những đường dây chạy thuế có quy mô lớn, được sự “thỏa hiệp” của cán bộ cao cấp nhất trong lĩnh vực quản lý này từ trước đến nay bị phát hiện.

Có thể nói, đây là vi phạm nghiêm trọng, nhất là trong bối cảnh ngân sách Nhà nước (NSNN) đang phải “gánh đỡ” cho mục tiêu bình ổn giá, kiềm chế lạm phát và luôn thiếu vốn để đầu tư.

Để hạn chế những trường hợp tương tự, tôi cho rằng chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách về thuế, trong đó quy định rõ những tiêu chí, điều kiện cụ thể liên quan đến việc miễn, giảm thuế để giảm tối đa những “kẽ hở” luật pháp.

Cùng với đó, phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, trong đó tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm toán độc lập để, đồng thời xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm.

Tôi cho rằng, đây cũng là lúc chúng ta nên thực hiện đợt “tổng” rà soát nhằm phát hiện, ngăn ngừa và xử lý tình trạng “thỏa hiệp” gây thất thu thuế.

Ông Vương Quân Hoàng - Tiến sỹ Thống kê-Toán ứng dụng Kinh tế-Tài chính, Đại học tổng hợp Bruselles, Bỉ:

“Chính sách càng phức tạp càng có nhiều kẽ hở”

“Tình trạng doanh nghiệp cấu kết với cán bộ một số cơ quan quản lý trong đó trực tiếp là ngành thuế để gian lận thuế không phải là mới nhưng đây là trường hợp có quy mô lớn và ở cấp khá cao được phát hiện.

Để góp phần xử lý vấn đề này, tôi cho rằng, trước hết chúng ta phải xem xét thấu đáo những chính sách kinh tế liên quan tới việc đối xử giữa các đối tượng  doanh nghiệp là DNNN, FDI và doanh nghiệp tư nhân.

Cụ thể, chính sách của chúng ta lâu nay có phần ưu đãi cho khối doanh nghiệp FDI nhằm thu hút nguồn vốn ngoại. Tuy nhiên, chính sự phân biệt đối xử này đã tạo ra một độ lệch và độ lệch này đã bị một số doanh nghiệp khai thác triệt để, trong đó có những trường hợp đã vi phạm các quy định của pháp luật như trường hợp một số doanh nghiệp FDI tại Đồng Nai chẳng hạn.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần phải nâng cao hơn nữa tính “minh bạch” về chính sách, về mọi thông tin đồng thời cụ thể, đơn giản hóa tối đa các quy định cụ thể liên quan đến việc cấp phép, hoạt động hay nghĩa vụ thuế... của doanh nghiệp.

Bởi hệ thống các quy định càng phức tạp càng tạo kẽ hở và quyền tùy biến khi ấy phụ thuộc lớn vào phạm vi quyền lực của cán bộ quản lý về lĩnh vực đó”.

Thảo Nguyên (Ghi)