Nhập nhèm hoa quả nhập lậu

(ANTĐ) - Thời gian gần đây, các mặt hàng hoa quả được bày bán tràn lan không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhiều người đã mất tiền oan khi mua những loại hoa quả mà người bán hàng giới thiệu là được nhập từ Mỹ, Úc, New Zealand,… nhưng thực chất chỉ là hoa quả Trung Quốc nhập lậu.

Nhập nhèm hoa quả nhập lậu

(ANTĐ) - Thời gian gần đây, các mặt hàng hoa quả được bày bán tràn lan không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nhiều người đã mất tiền oan khi mua những loại hoa quả mà người bán hàng giới thiệu là được nhập từ Mỹ, Úc, New Zealand,… nhưng thực chất chỉ là hoa quả Trung Quốc nhập lậu.

Hoa quả ngoài chợ có vẻ bóng bẩy hơn hàng trong siêu thị nhưng rất khó xác định nguồn gốc xuất xứ
Hoa quả ngoài chợ có vẻ bóng bẩy hơn hàng trong siêu thị nhưng rất khó xác định nguồn gốc xuất xứ

Khách hàng nhắm mắt trả tiền

Chợ đầu mối Long Biên - một trong những chợ đầu mối rau, củ, quả lớn nhất Hà Nội. Ghé vào một cửa hàng được một người bán hàng quảng cáo chỉ chuyên bán hoa quả “ngoại”, chúng tôi được chủ cửa hàng đon đả mời chào: “Cửa hàng toàn hoa quả ngoại nhập từ Mỹ, New Zealand, Úc, muốn mua loại nào cũng có. Mua cả thùng thì giá rẻ hơn mua lẻ…”. Thấy chúng tôi có vẻ phân vân, bà chủ cửa hàng nhanh nhảu “Tôi đảm bảo 100% là hàng Mỹ, chủ buôn đánh hàng xe tải hoa quả về mà cũng không đủ hàng mà bán. Chúng tôi còn giao hàng tận nhà, không tính phí vận chuyển”. Để tạo lòng tin, chủ hàng còn đưa cho chúng tôi xem những quả táo trên đó có dán nhãn ghi “U.S.A” và những túi nho ghi “produce of  U.S.A” (sản xuất từ Mỹ).

Táo và nho tại chợ Long Biên được dán nhãn USA nhưng ai dám bảo đảm đây là hàng “xịn”?
Táo và nho tại chợ Long Biên được dán nhãn USA nhưng ai dám bảo đảm đây là hàng “xịn”?

Lân la tới một quầy hàng khác bầy các loại táo, dưa, nho,… khá đẹp mắt, chúng tôi hỏi người bán hàng: “Chị có táo Mỹ không, chúng em muốn mua đi biếu?”. Khác với lời quảng cáo của người bán hàng chúng tôi mới gặp vài phút trước đó, bà chủ sạp hoa quả đứng phía trong quầy hàng nói vọng ra: “Em mà mua được hoa quả ngoại nhập từ Mỹ, Úc,... “thật” ở những quầy hàng quanh đây, chị sẽ biếu không em chỗ trái cây trong sạp. Chẳng có Mỹ, Úc nào cả, toàn là  hàng Trung Quốc. Đồng ý mua thì trả giá thôi...”. Chỉ tay xuống sạp hàng bày đầy những trái táo hồng, đỏ nhẵn nhụi đều nhau, chủ quầy hàng tiếp lời: “Làm gì có hàng vừa rẻ tiền lại vừa “xịn”. Em cứ mua đi biếu táo đường Trung Quốc này vừa “sang”, vừa rẻ, mà chả ai biết là hàng Trung Quốc đâu”.

Chị Nguyễn Thúy Nga, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm chép miệng: “Mặc dù là người khá sành trong việc chọn mua hàng nhưng tôi cũng vài lần mua phải hoa quả ngoại “dởm” khi quá tin vào lời quảng cáo của người bán hàng. Tuần trước, tôi mua 2kg cam Úc ở sạp hoa quả gần nhà. Mới nhìn thấy trái cam to, bọc trong lưới, có màu vàng tươi, ngoài vỏ dán tem Úc nên tôi tin là thật. Ai ngờ về bổ ra toàn mùi hóa chất,  bày ra đĩa mới có 5 phút mà đã mềm nhũn như để cả tháng.

Rất khó phân biệt

Được biết, khi chuyển hàng về sạp, các chủ hàng đã đánh lừa người tiêu dùng bằng việc bóc nhãn có ghi xuất xứ hàng từ Trung Quốc trên vỏ hộp. Do trên thùng lúc này không có bất kỳ thông tin nào về xuất xứ hàng nên khách hàng không thể biết chính xác loại quả mình mua do nước nào sản xuất. Khi khách hàng có thắc mắc thì được giải thích: “cam Mỹ” là cam giống của Mỹ, táo Fuji Nhật Bản là giống táo Nhật, ổi Thái Lan có giống từ Thái Lan nhưng được trồng tại Trung Quốc…

Thời gian qua, theo Cục Vệ sinh An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, một số loại trái cây Trung Quốc có dư lượng hóa chất deltamethrin (chất độc diệt côn trùng theo đường tiếp xúc) và thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Các chuyên gia về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng khuyến cáo người dân không nên sử dụng hoa quả Trung Quốc nhập lậu đồng thời chỉ ra một số điểm giúp người tiêu dùng phân biệt các loại hoa quả đang bày bán tràn lan trên thị trường. Tuy vậy đến thời điểm hiện tại, khi được hỏi về nguồn gốc xuất xứ của hoa quả ngoại nhập, hầu hết người tiêu dùng chỉ biết lắc đầu và đành tin vào lời của người bán hàng. Bên cạnh đó, hiện một số loại hoa quả Trung Quốc như cam, măng cụt, xoài cũng được đổi xuất xứ thành hoa quả Việt Nam. Nguyên nhân là do sự chênh lệch khá lớn về giá giữa hàng Việt Nam và hàng Trung Quốc. Nói về các nguy cơ từ hoa quả Trung Quốc, một chủ cửa hàng bán hoa quả trên phố Hàng Da cho rằng, khách hàng rất khó để phân biệt hàng có nguồn gốc từ đâu mà chỉ những người trong nghề mới biết.

Khó xử lý

Ông Hoàng Đại Nghĩa - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 14 - Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết: “Hiện nay mặt hàng hoa quả tươi được bày bán tại các cửa hàng bên ngoài hay ngoài chợ không được đóng gói bao bì và không thể hiện rõ nguồn gốc xuất xứ nên rất khó xác định nguồn hàng này có phải là hàng ngoại nhập như các chủ hàng quảng cáo hay không. Bên cạnh đó, hầu như các loại hoa quả ngoại có nguồn gốc từ Mỹ, Úc, New Zealand,… này hầu hết được người bán chuyển tải đến người mua bằng miệng, hay chỉ bằng những chiếc tem dán bên ngoài ghi rất đơn giản, chung chung nên không thể xử lý vi phạm liên quan đến vấn đề nhãn hiệu hàng hóa. Về nguyên tắc, cơ quan QLTT chỉ có thể xử lý vi phạm khi sản phẩm được đóng gói, bên ngoài bao bì có ghi nguồn gốc xuất xứ, hạn sử dụng,…

Nhưng ở đây các loại hoa quả bày bán tại nhiều khu vực chợ hay các quầy hoa quả bên ngoài chỉ ghi rất chung như: USA, New Zealand mà không ghi là xuất xứ từ Mỹ hoặc xuất xứ từ New Zealand. Đáng nói hơn, một số tiểu thương còn ghi sai một trong những chữ cái tên của một nước ở tem dán trên mặt hoa quả gây khó khăn đến công tác xử lý vi phạm do không đủ căn cứ để xử lý”. Ông Nghĩa cũng cho rằng: “Đối với mặt hàng hoa quả tươi được bày bán trong siêu thị cơ quan quản lý thị trường dễ dàng kiểm tra và xử lý hơn nhiều vì hầu hết hàng hóa được các siêu thị nhập về đều có hóa đơn, chứng từ cụ thể. Trong trường hợp kiểm tra, cơ quan chức năng chỉ việc đối chiếu thực tế các loại giấy tờ với hàng hóa bày trên kệ là biết được hàng hóa có nguồn gốc xuất xừ từ đâu, chất lượng có đảm bảo hay không”.

Hân Linh

Theo ông Đỗ Gia Phan - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, để tránh bị nhầm lẫn người tiêu dùng nên đến siêu thị hoặc các cửa hàng có uy tín để mua sản phẩm. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý thị trường cần tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý những cá nhân có hành vi lừa đảo người tiêu dùng, có vi phạm về nhãn mác, nhập nhèm về xuất xứ hoa quả nhập. Hiện tại, phần đông người tiêu dùng còn rất mù mờ về quyền lợi của mình nên các cơ quan chức năng cần phổ biến, trang bị cho họ những kiến thức cần thiết để họ trở thành người tiêu dùng thông thái. Và điều quan trọng nhất là người tiêu dùng Việt Nam nên ưu tiên dùng hoa quả Việt Nam, vừa đảm bảo an toàn, vừa góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành trồng trọt trong nước…