Nhà máy điện trên sông Hồng không có trong quy hoạch

ANTĐ - Chiều 6-5, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo thường kỳ tháng 4-2016. Chủ trì buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã giải đáp hàng loạt các vấn đề nóng đang được dư luận quan tâm, liên quan đến thuế nhập khẩu xăng dầu và “siêu dự án” tỷ đô chạy dọc sông Hồng (Báo An ninh Thủ đô đã liên tục phản ánh thời gian qua).

Nhà máy điện trên sông Hồng không có trong quy hoạch ảnh 1

Doanh nghiệp xăng dầu lớn hưởng lợi từ cách tính thuế mới

Doanh nghiệp xăng dầu lớn thu lợi

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc tính thuế nhập khẩu xăng dầu theo cách tính bình quân gia quyền, áp dụng từ ngày 21-3-2016 còn nhiều bất hợp lý, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, do các cam kết của Việt Nam theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) nên thuế nhập khẩu xăng dầu được áp không giống nhau.

“Vừa qua, chúng tôi nhận được ý kiến từ doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước và doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu cho biết, cách tính thuế nhập khẩu xăng dầu chưa đảm bảo sự hài hòa giữa doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng. Chúng tôi đã có văn bản gửi Bộ Tài chính và các cấp có thẩm quyền về vấn đề này để đảm bảo có mức thuế hợp lý nhất”- ông Đỗ Thắng Hải thông tin.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, bất cập trong cách tính thuế hiện hành là, doanh nghiệp lớn sẽ được hưởng lợi trong khi doanh nghiệp nhỏ lại chịu thiệt. Chẳng hạn, doanh nghiệp nhập khẩu xăng dầu từ Hàn Quốc chỉ phải nộp thuế 10%, nhưng mức thuế để tính giá cơ sở xăng dầu đang áp dụng là 18,3%. Phần chênh lệch 8,3% doanh nghiệp được hưởng. Mặt khác, tỷ lệ hàng nhập khẩu từ mỗi thị trường của doanh nghiệp là khác nhau nên cách tính hiện nay có lợi cho doanh nghiệp lớn.  

Siêu dự án  tỷ đô mới là “đề xuất ban đầu”

Tại cuộc họp báo, khi được hỏi quan điểm của Bộ Công Thương về “siêu dự án” tỷ đô chạy dọc sông Hồng do Công ty TNHH Xuân Thiện là nhà đầu tư, ông Đỗ Đức Quân - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, đây không phải là dự án thủy điện mà là dự án giao thông xuyên Á.

Dù vậy, chính ông này lại giải thích: “Họ làm đập, âu thuyền để cho dâng nước lên và kết hợp thủy điện”. Theo ông Đỗ Đức Quân, với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới hơn 24.000 tỷ đồng, nếu chỉ để làm thủy điện có quy mô nhỏ là chưa phù hợp so với quy mô vốn của dự án. 

Ông Đỗ Đức Quân nhấn mạnh: “Trong quy hoạch phát triển thủy điện đã được Chính phủ và Bộ Công Thương phê duyệt thì không có bất kỳ dự án thủy điện nào trên sông Hồng. Đây là mới đề xuất ban đầu, chưa có hồ sơ chính thức về việc phát nguồn thủy điện nên chúng tôi chưa xem xét. Nhưng nếu Chính phủ cho phép làm dự án này, có thể tận dụng để làm thủy điện hiệu quả, giá bán điện hợp lý thì Bộ Công Thương cũng ủng hộ”.

Bình luận về sự cần thiết của dự án, đại diện Bộ Công Thương cho rằng, đây là dự án hạ tầng nên đánh giá mức độ cần thiết hay không là trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch- Đầu tư. Bộ Công Thương chỉ lưu ý các vấn đề về môi trường, xã hội, di dân, tái định cư… 

Có vẻ như ông Đỗ Đức Quân không nắm rõ thông tin và ý kiến chỉ đạo của Bộ Công Thương về dự án này. Bởi, văn bản số 1646/BCT-TCNL do Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng ký ngày 26-2-2016 đã nêu rõ: “Bộ Công Thương ủng hộ chủ trương giao Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình tiếp tục nghiên cứu để đầu tư xây dựng theo đúng quy định hiện hành”.

Còn về giá bán điện, theo ý kiến của Bộ Tài chính, kiến nghị Chính phủ hỗ trợ giá bán điện của nhà đầu tư khó thành hiện thực vì thị trường phát điện cạnh tranh sẽ được triển khai vào giai đoạn 2017 -2020. “Khi đó, việc huy động phát điện sẽ theo giá phát điện cạnh tranh, nhà đầu tư sẽ đứng trước rủi ro không bán được điện” - Bộ Tài chính bình luận. Ý kiến nói “đây không phải dự án thủy điện” cũng không chính xác bởi ngay tên của dự án do nhà đầu tư đề xuất đã nêu rõ: “Dự án giao thông thủy xuyên Á trên sông Hồng kết hợp thủy điện”.

Cũng tại cuộc họp báo, liên quan đến nghi vấn về chất lượng công trình cột điện đường dây 500kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa bị đổ vào ngày 22-4, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết: “Trong điều kiện thời tiết không quá bất thường mà đường dây 500kV lại đổ thì rõ ràng là không bình thường.

Còn về nguyên nhân tại sao cột điện này đổ thì Bộ Công Thương đang kiểm tra. Khi có kết quả, chúng tôi sẽ thông tin đến báo chí”. Cũng theo Bộ Công Thương, ngày 6-5, Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia đã khắc phục xong và đóng điện, đưa đường dây 500 kV Quảng Ninh - Hiệp Hòa vào vận hành.

Liên quan đến vụ việc cá chết hàng loạt tại nhiều tỉnh miền Trung vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định: “Chúng ta không bao giờ đánh đổi môi trường lấy bất cứ cái gì. Tại phiên họp Chính phủ ngày 5-5, Thủ tướng đã nói rõ, tất cả các bộ ngành, cơ quan liên quan cùng tham gia làm rõ, làm nhanh để tìm ra nguyên nhân cá chết hàng loạt. Đồng thời xử lý nghiêm không loại trừ bất cứ tập thể, cá nhân nào nếu có vi phạm. Hiện nay, chúng ta chưa tìm ra nguyên nhân nên chưa thể nói được là xử lý ai”.