Nhà đầu tư nhỏ lẻ - "nạn nhân" của những tin đồn trên thị trường chứng khoán

ANTD.VN - Ở một thị trường chứng khoán còn non trẻ, chất lượng thông tin, độ minh bạch, công khai ở mức thấp khiến tin đồn càng có đất sống. Điều này đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến bản thân các doanh nghiệp và nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ - vốn là những người thiếu thông tin.

Đây là nhận định chung của các chuyên gia tại buổi tọa đàm “An toàn, an ninh trong lĩnh vực chứng khoán” do Báo điện tử Thời báo Chứng khoán Việt Nam tổ chức sáng nay, 15/5.

Thị trường thiếu minh bạch, tin đồn còn “đất sống”

Theo đánh giá của ông Nguyễn Thế Thọ - Vụ trưởng Vụ Giám sát thị trường chứng khoán - Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thị trường chứng khoán (TTCK) là thị trường của thông tin, chất lượng của các “hàng hóa” giao dịch trên TTCK phụ thuộc rất lớn vào các thông tin.

“Trên thế giới, tin đồn vẫn xuất hiện trên TTCK. Ở một TTCK non trẻ, chất lượng thông tin, độ minh bạch, công khai hóa ở mức thấp thì tin đồn càng có đất sống. Đặc biệt, tin đồn được truyền tải qua những kênh thiếu kiểm chứng, chưa xác thực như truyền miệng, qua mạng xã hội thì sức lan tỏa rất lớn.

Có tin đồn trở thành sự thật, có tin đồn thất thiệt xuất phát từ một sự kiện nào đó, hoặc có thể được tạo ra từ một nhóm đối tượng, cá nhân với mục đích gây ra những sự bất thường trên thị trường để trục lợi” – ông Nguyễn Thế Thọ nói.

Cũng theo đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tại một số nước có thị trường chứng khoán phát triển, khi tin đồn được tạo ra do một nhóm đối tượng với mục đích trục lợi thì khi xem xét đến hành vi giao dịch mang tính nội gián, thao túng thị trường, họ còn xem xét đến hành vi đầu cơ thông tin.

Còn tại nước ta, các quy định về minh bạch thông tin cũng đã có, một trong những nghĩa vụ quan trọng của các tổ chức phát hành, giao dịch trên TTCK là cung cấp, báo cáo thông tin, bao gồm cả các thông tin bất thường.

Các công ty đại chúng phải thực hiện các nguyên tắc về quản trị công ty và có các cơ quan giám sát về tính công khai, minh bạch thông tin của các tổ chức tham gia thị trường.

Các chuyên gia tham gia thảo luận tại Tọa đàm An toàn, an ninh trong lĩnh vực chứng khoán

Tuy nhiên, việc chưa đạt đến sự công khai minh bạch khiến tin đồn dễ tác động đến tâm lý nhà đầu tư. “TTCK Việt Nam còn non trẻ, tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân lớn. Đây là những nhà đầu  tư thường đầu tư theo phong trào, có tâm lý “bầy đàn”, dễ bị tác động bởi tin đồn. Trong khi các nhà đầu tư tổ chức có nhiều kênh thu thập thông tin hơn, có đội ngũ phân tích, kiểm chứng và đánh giá thông tin” – ông Nguyễn Thế Thọ nhận định.

Bản lĩnh vững vàng” trước các tin đồn

Với diễn biến ngày càng phức tạp của tin đồn, các chuyên ra cho rằng các nhà đầu tư cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác và có “bản lĩnh vững vàng” trước các tin đồn.

Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trọng Nghĩa, tin đồn cũng là một loại thông tin và “liều thuốc” trị tin đồn chính là thông tin. “Thông tin phải đưa ra đúng lúc, đúng căn bệnh. Phải có thông tin kịp thời từ bản thân công ty niêm yết, từ sàn giao dịch và từ cơ quan quản lý. Tin đồn là thông tin thì phải trị bằng chính thông tin. Bưng bít thông tin, thông tin không rõ nguồn gốc, không có thông tin phản hồi thì sẽ khiến câu chuyện bị đẩy xa” – vị chuyên gia nói.

Đồng quan điểm, bà Đoàn Thái Ly, Phó Giám đốc Phòng Quản lý niêm yết, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho rằng khi xuất hiện tin đồn, nếu doanh nghiệp bình tĩnh thì sẽ xử lý được tin đồn nhanh chóng,  hợp lý, vừa làm yên tâm thị trường, nhà đầu tư, vừa giải quyết được tin đồn. Còn nếu mức độ quan tâm của lãnh đạo doanh nghiệp chưa đủ thì tin đồn có thể trở thành khủng hoảng, các bước xử lý tiếp theo sẽ phức tạp hơn nhiều. 

“Thông thường, các doanh nghiệp trên thị trường cũng đã có phản ứng kịp thời đối với các tin đồn, tức là lập tức gửi giải trình, báo cáo lên cơ quan quản lý. Chúng tôi dựa trên báo cáo, giải trình của doanh nghiệp, kết hợp các nghiệp vụ bên Sở để có báo cáo nhanh nhất lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để có những thông tin kịp thời” – bà Ly cho biết.

Cũng theo các chuyên gia, pháp luật liên quan đến xử lý các vi phạm trên TTCK hiện nay về cơ bản đã theo nguyên tắc, thông lệ quốc tế, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia thị trường.

Trong đó, đối với hành vi thao túng chứng khoán, mức xử phạt thấp nhất lên tới 500 triệu đồng – là mức xử phạt cao nhất trong chế tài xử phạt các hành vi vi phạm hành chính. Chưa kể là thu hồi những khoản thu lợi từ hành vi thao túng chứng khoán.

Đặc biệt, nếu có dấu hiệu vượt ra ngoài phạm vi hành chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng phối hợp với cơ quan công an làm rõ, nếu có dấu hiệu hình sự thì xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự. Trên thực tế, mới đây là có vụ án thao túng giá chứng khoán đầu tiên được đưa ra xét xử với mức án cao nhất lên đến chung thân.