Nhà đầu tư Mỹ rời Trung Quốc đến Việt Nam

ANTĐ - Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), việc chủ động tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) làm cho Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư Mỹ. Vì vậy, Việt Nam sẽ có thể là sự lựa chọn ưu tiên của các công ty Mỹ có trụ sở tại Hồng Kông trong việc dịch chuyển đầu tư ra ngoài Trung Quốc.
Nhà đầu tư Mỹ rời Trung Quốc đến Việt Nam ảnh 1

Các nhà đầu tư lớn của Mỹ đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam

Các tập đoàn lớn của Mỹ đến Việt Nam

Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, nhiều công ty, tập đoàn lớn của Mỹ đang có kế hoạch chuyển phần lớn cơ sở sản xuất sang Việt Nam như: Tập đoàn Nike, Inc, Tập đoàn dệt may Mast Industries, Ltd, P&G… Phòng Thương mại Mỹ ở Singapore (Amcham Singapore) cũng công bố khoảng 57% doanh nghiệp Mỹ hoạt động trong khu vực ASEAN đánh giá Việt Nam là điểm đến hấp dẫn nhất để mở rộng đầu tư.

Trên thực tế, lũy kế đến tháng 6-2016, Mỹ đứng thứ bảy trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đầu tư là 11,08 tỷ USD. Quy mô vốn bình quân một dự án của Mỹ (748 dự án) là khoảng 15,42 triệu USD, cao hơn so với mức bình quân chung một dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là 14,5 triệu USD/dự án. “Tuy nhiên, những con số này chưa phản ảnh hết luồng vốn đầu tư trực tiếp của Mỹ tại Việt Nam do có một số công ty Mỹ như: Tập đoàn Intel, Coca Cola, Procter & Gamble,  ConocoPhillips… đầu tư vào Việt Nam thông qua các chi nhánh, công ty con của mình đăng ký tại một số nước khác” - đại diện Cục Đầu tư nước ngoài nói. 

Sức hấp dẫn của TPP

Theo đánh giá của các chuyên gia, sức hút lớn nhất với hầu hết nhà đầu tư ngoại nói chung và Mỹ nói riêng là hiệp định TPP mà Việt Nam là thành viên chính thức. Có thể thấy, nếu năm 2013 chỉ có 22 doanh nghiệp Mỹ tìm hiểu môi trường kinh doanh Việt Nam thì trong 6 tháng đầu năm 2014, đã có đến 3 đoàn doanh nghiệp với số lượng lớn (gồm nhiều tập đoàn danh tiếng của Mỹ như: Boeing, Apple, AIG, Exxon Mobil...) tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam.

Mới đây, đoàn hơn 30 doanh nghiệp thuộc Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN cũng đã đến Việt Nam tìm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực xây dựng. Mặt khác, chi phí lao động thấp là một trong những điểm hấp dẫn của Việt Nam. Điển hình là năm 2014, Microsoft đã chuyển các nhà máy sản xuất điện thoại thông minh từ Trung Quốc sang Việt Nam, do chi phí nhân công tại Việt Nam rẻ hơn 50% so với Trung Quốc. 

Không chỉ đưa các dây chuyền sản xuất về Việt Nam, mang đến những phần mềm, thiết bị và giải pháp mà Microsoft còn tập trung đầu tư về nhân sự, góp phần phát triển các kỹ năng và nguồn lực cho lực lượng công nghệ thông tin ở Việt Nam. Điều này cho thấy nhà đầu tư Mỹ đã coi Việt Nam như một thị trường chiến lược, vì lợi ích lâu dài chứ không chỉ vì những lợi ích trước mắt. “Mặc dù vậy, các nhà đầu tư Mỹ vẫn mong muốn Việt Nam có cơ sở hạ tầng, trình độ nhân công cao hơn và đặc biệt là giảm tham nhũng, nâng cao năng lực cạnh tranh mạnh mẽ, hiệu quả hơn”, đại diện Cục Đầu tư nước ngoài cho hay.