Nguy hiểm vitamin
(ANTĐ) - Được coi là thuốc bổ, nhưng đã có nhiều người phải nhập viện do tai biến sau khi sử dụng vitamin.
Chỉ bổ sung khi cần thiết
Vitamin là những chất hữu cơ rất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, chỉ với một số lượng rất nhỏ vitamin là đã đủ cho các chu trình chuyển hóa của con người hoạt động bình thường. Thừa hoặc thiếu vitamin đều gây nên sự bất ổn.
Cơ thể con người không tự tổng hợp hoặc nếu có thì chỉ tổng hợp được một lượng rất ít ỏi các vitamin. Phần lớn vitamin trong cơ thể được chúng ta bổ sung qua những bữa ăn hàng ngày. Rau xanh, quả tươi, ngũ cốc, gan động vật… đều có chứa vitamin. Vì thế có thể hiểu, nếu chúng ta duy trì một chế độ ăn uống hợp lý thì không cần bổ sung vitamin từ ngoài vào cơ thể làm gì. Việc bổ sung vitamin chỉ cần thiết đối với những người có bệnh phải dùng nhiều loại thuốc, đặc biệt là kháng sinh, suy nhược kéo dài, hoặc người thiếu calo, người ăn kiêng… Tuy nhiên, liều lượng sử dụng như thế nào là tùy thuộc vào bác sĩ. Không nên tự mua các loại vitamin về tự sử dụng như hiện nay một số người vẫn làm.
Nguy cơ hậu… vitamin
Vitamin xuất hiện nhiều vô kể trên thị trường tân dược. Đó có thể là viên nén, viên sủi bọt, siro, thuốc tiêm, dịch truyền, viên nhộng… với rất nhiều tên biệt dược khác nhau, phần lớn là thuốc phối hợp giữa vitamin và khoáng chất. Có lẽ vì có quá nhiều loại thuốc, lại được bán một cách dễ dãi nên đã làm “dấy” lên phong trào tự mua vitamin về dùng như thể dùng một loại thuốc bồi bổ cơ thể! Đó chính là lý do để càng ngày xuất hiện càng nhiều trường hợp ngộ độc vitamin.
Đã có nhiều trường hợp uống C sủi như một loại giải khát, thậm chí còn cho trẻ em uống “định kỳ hàng ngày”! Họ cho rằng, vì vitamin tan trong nước, thải trừ nhanh qua nước tiểu nên không có hại cho cơ thể! Họ không hiểu rằng, có nhiều vitamin vẫn tích lũy gây hại cho cơ thể. Ví dụ như vitamin C tuy ít tích lũy nhưng nếu dùng liều cao và kéo dài loại vitamin này có thể tạo ra sỏi thận oxalat hoặc urat (do bản chất của vitamin C là một acid ascorbic vào cơ thể chuyển hóa thành acid oxalic). Thậm chí dùng vitamin C nhiều có thể giảm độ bền của hồng cầu và gây ra bệnh gut do thải nhiều urat. Nếu cơ thể thừa vitamin A thì sẽ gây chán ăn, buồn nôn, xung huyết dưới da và niêm mạc; thừa vitamin D làm tăng calci máu gây mệt mỏi, chán ăn, tiêu chảy; vitamin PP gây ngứa, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa... Một số vitamin cũng có thể gây dị ứng hoặc sốc phản vệ, thậm chí rất nặng có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp thời như vitamin B1, vitamin C.
Vì thế, vitamin cần được coi như bất kỳ một loại thuốc nào: Chỉ dùng khi cần thiết và dùng theo đơn của bác sĩ.
Phương Dung