Nguy cơ trở thành "bãi rác phế liệu" từ tỷ USD nhập khẩu

ANTD.VN - Số liệu vừa được Tổng cục Hải quan công bố: Tính đến hết tháng 10, tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước đạt hơn 140,6 tỷ USD, trong đó giá trị hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đạt mức 40 tỷ USD (tương đương khoảng 900.000 tỷ đồng). Mặc dù đã có chủ trương đa dạng hóa thị trường nhập khẩu nhưng thực tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nặng nề vào hàng hóa nhập từ Trung Quốc.

Ngoài lượng hàng hóa nhập khẩu chính ngạch thì hàng hóa thông qua con đường tiểu ngạch từ Trung Quốc vào Việt Nam cũng chiếm tỷ trọng lớn

Từ nông sản đến ô tô

Báo cáo của cơ quan hải quan cũng chỉ ra rằng, hàng loạt nhóm hàng được nhập từ quốc gia láng giềng đã vượt con số 1 tỷ USD trong 10 tháng qua. Cụ thể, có tới 8 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt trị giá từ 1 tỷ USD trở lên bao gồm: máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 7,35 tỷ USD; điện thoại các loại và linh kiện đạt 4,9 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 4,76 tỷ USD; vải các loại hơn 4,4 tỷ USD; sắt thép hơn 3,6 tỷ USD; các sản phẩm từ chất dẻo, nhóm nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày và nhóm hàng hóa kim loại thường đều đạt giá trị trên 1 tỷ USD mỗi loại.

Các nhóm hàng nhập khẩu từ thị trường này cũng hết sức đa dạng (có tới 44 nhóm hàng) như rau quả, thủy sản, bánh kẹo, dược phẩm, mỹ phẩm, phân bón cho tới máy ảnh, máy quay phim hay linh kiện phụ tùng ô tô cũng như ô tô nguyên chiếc. Riêng ô tô nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc trong 10 tháng đạt con số 9.484 chiếc với trị giá đạt hơn 364 triệu USD. 

Thông tin từ đại diện Tổng cục Hải quan cho biết thêm, nhiều mặt hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc dưới dạng tiểu ngạch có giá trị lớn không được kê khai sổ sách do các thương vụ không có hợp đồng giao kết hàng hóa. Phần lớn trong số này là mặt hàng tiêu dùng, may mặc và thực phẩm được vận chuyển dưới danh nghĩa cá nhân nhưng về giá trị nhóm hàng này có giá trị khá cao, do khối lượng lớn.

Mặc dù so với cùng kỳ năm 2015, kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc giảm 576 triệu USD, tương đương giảm khoảng 1,4% nhưng đánh giá từ các chuyên gia cho rằng, đây là một con số khiêm tốn. Theo các chuyên gia, việc kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc sụt giảm có nguyên nhân từ bối cảnh tăng trưởng kinh tế Việt Nam sụt giảm dẫn đến nhu cầu nhập khẩu cũng giảm theo.

Có thể nói, đây là nguyên nhân đã được dự báo trước. Vì vậy có thể khẳng định rằng, con số 576 triệu USD ít hơn so với cùng kỳ 10 tháng đầu năm 2015 là một điều tất yếu chứ không phải vì nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu của Việt Nam để giảm tình trạng phụ thuộc vào Trung Quốc như không ít người vẫn lầm tưởng.

Trong 2 tháng cuối năm, hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng mạnh do nhu cầu phục vụ dịp Tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, việc nhiều mặt hàng đã bắt đầu được xóa bỏ thuế theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) cũng sẽ khiến lượng hàng hóa nhập khẩu từ thị trường trong nước gia tăng. Vì vậy, nhiều khả năng giá trị nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ tiếp tục vượt qua con số 49,3 tỷ USD trong năm 2015.

Chặn những hệ lụy

Việc nhập khẩu số lượng lớn hàng hóa từ thị trường Trung Quốc không phải là câu chuyện mới. Năm 2015, tại hội Hội nghị tổng kết 30 năm đổi mới kinh tế Việt Nam do Viện Kinh tế Việt Nam tổ chức, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, Việt Nam cần có hành động để hạn chế nhập siêu quá lớn từ Trung Quốc, đặc biệt tránh nguy cơ trở thành bãi rác “công nghệ phế liệu” của nước này.

Theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, tốc độ tăng nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc của Việt Nam ngày càng lớn. Đáng lo ngại nhất là các loại máy móc, thiết bị cũng được nhiều doanh nghiệp “ưu tiên” nhập khẩu từ Trung Quốc vì giá rẻ, thủ tục nhanh gọn và chiết khấu cao...

“Sau nhiều năm, chúng ta càng thấy rõ nhập siêu từ Trung Quốc đang lớn và rất đáng lo. Việt Nam xuất khẩu đi cả thế giới, nhiều thị trường xuất siêu gần 20 tỷ USD nhưng số tiền ấy lại phải bỏ đi để nhập khẩu từ Trung Quốc”, TS. Trần Đình Thiên phân tích.

Các chuyên gia đánh giá, nếu tiếp tục phát triển bằng nguồn nguyên liệu, công nghệ từ Trung Quốc… thì các doanh nghiệp Việt Nam sẽ rất khó cạnh tranh vì chi phí sản xuất của họ quá thấp, họ có thị trường chủ động. Chính vì vậy, điểm khó nhất trong quá trình hội nhập của Việt Nam là “bài toán” với Trung Quốc.

Theo Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN-Trung Quốc (ACFTA) giai đoạn 2016-2018, nhiều mặt hàng từ Trung Quốc và nhiều nước nhập khẩu vào Việt Nam được hưởng mức thuế suất 0%. Đi cùng với những thuận lợi lớn, thì các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với những thách thức không nhỏ khi cạnh tranh về hàng hóa, dịch vụ và đầu tư.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Trần Hoàng Ngân, khi hội nhập kinh tế thế giới cơ hội nhiều nhưng thách thức cũng không nhỏ nên khi ký kết các thỏa thuận phải cân nhắc ngành, lĩnh vực nào sẽ bị “tổn thương” từ trước khi ký kết để có giải pháp. Bởi thực tế cho thấy, việc bảo hộ và phòng vệ để khuyến khích được sản xuất trong nước là rất khó.

Đặc biệt hơn, khi hàng hóa của Trung Quốc và nhiều nước khác tràn vào Việt Nam với thuế suất 0% thì bản thân các doanh nghiệp phải tự bảo vệ mình và phải dùng một số giải pháp phòng vệ để tạo rào cản kỹ thuật.

“Bên cạnh cuộc cách mạng về nông nghiệp, Việt Nam phải tăng năng suất lao động, cải thiện môi trường kinh doanh và quan trọng là phân bổ nguồn lực hợp lý để nâng cao hiệu quả kinh tế. Bởi nếu nâng cao hiệu quả cạnh tranh của các doanh nghiệp nhất là các tập đoàn kinh tế tư nhân thì mới tạo được những doanh nghiệp lớn và đảm bảo tính độc lập của kinh tế Việt Nam”, TS. Trần Hoàng Ngân cho biết.

Các chuyên gia đề xuất, để cải thiện và ứng phó với sức ép cạnh tranh sắp tới, doanh nghiệp Việt phải chủ động chuẩn bị chu đáo nhằm cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu có mức giá ngày càng giảm bằng cách xây dựng các yêu cầu kỹ thuật tối thiểu như kê khai nguồn gốc, xuất xứ, kiểm soát chất lượng, chứng nhận sản phẩm.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm, dịch vụ sau bán hàng, có chiến lược kinh doanh phù hợp để giữ vững thị phần trong nước đồng thời tìm kiếm các thị trường mới để đầu tư phát triển.

Với những lợi thế rất lớn của hàng hóa Trung Quốc như giá cả thấp, khoảng cách địa lý gần dẫn đến chi phí vận chuyển thấp, nhu cầu lớn của nền kinh tế Việt Nam về nguyên liệu và linh kiện thiết bị thì rõ ràng Việt Nam rất khó có thể đạt được mục tiêu giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước láng giềng nếu không có các quy định ràng buộc chặt chẽ về quy tắc xuất xứ như đã từng đề cập tại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc bắt đầu thời điểm năm 2001 đến nay, trong khi vẫn xuất siêu sang Trung Quốc ở thời điểm năm 2000. Mức nhập siêu của Việt Nam từ Trung Quốc thời điểm năm 2001 mới chỉ đạt 189 triệu USD, nhưng mức lũy kế sau đó đã diễn ra với tốc độ chóng mặt, đến năm 2013 mức nhập siêu này đã tăng lên con số 24 tỷ USD, năm 2015 là 32 tỷ USD.