Người Việt sính ngoại, hàng nhập khẩu được đà "bành trướng"

ANTĐ - Nhận định trên được đưa ra trong báo cáo nghiên cứu tại hội thảo “Nhận diện rủi ro về chính sách đối với ngành bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập TPP và EVFTA” diễn ra sáng nay (6-7).

Hàng nội địa vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong siêu thị hiện đại

Báo cáo của Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) cho biết, 60% hàng hóa đang lưu thông trên thị trường Việt Nam hiện nay là hàng sản xuất nội địa. “Việc cho rằng hàng nhập khẩu đang chiếm ưu thế và dần thay thế hàng nội địa trong thời gian qua là quá mức cần thiết và không có căn cứ”- đại diện nhóm nghiên cứu cho hay.

Tuy nhiên, việc doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có xu hướng tiêu thụ nhiều hàng hóa nhập khẩu từ nước mình là một thực tế! Diễn biến này xuất phát từ tính toán kinh doanh của các nhà đầu tư, do họ quen với nguồn hàng và hàng hóa có sức cạnh tranh cao hơn nên sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn.

Thêm vào đó, hàng nhập khẩu ngày càng có điều kiện tiếp cận thị trường Việt Nam do những ưu đãi về thuế quan theo các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết cũng như những cải thiện về thủ tục thuế, hải quan ở khâu nhập khẩu và tâm lý “sính ngoại” của người tiêu dùng. “Hàng nhập khẩu sẽ từng bước mở rộng thị phần tại Việt Nam”- báo cáo nhận định.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, trong lĩnh vực bán lẻ, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chiếm ưu thế hơn hẳn doanh nghiệp FDI ở mô hình cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tạp hóa và chợ truyền thống. Nhưng ta đang yếu thế hơn họ ở mô hình trung tâm mua sắm và bán lẻ trực tuyến.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập cho biết thêm, nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp bán lẻ nội gặp khó khăn nhất ở mặt bằng bán lẻ do giá thuê cao, ít ưu đãi nhưng kết quả điều tra mới nhất lại chứng minh, khó khăn này của doanh nghiệp chỉ được đánh giá ngang bằng với vướng mắc về thủ tục thuế, quản lý thị trường…

Đáng chú ý, “78% doanh nghiệp được điều tra cho rằng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ hiện chỉ có trên giấy,  không mang lại hiệu quả thực tế; 63% doanh nghiệp không thấy có chính sách hỗ trợ nào và gần 60% doanh nghiệp nội địa cho rằng FDI đang hưởng nhiều ưu đãi hơn”- bà Nguyễn Thị Thu Trang nói.