Thị trường tôn thép: Hàng giả đe dọa hàng thật (1)

Người tiêu dùng bị móc túi cả nghìn tỷ đồng

ANTĐ - Thị phần của các doanh nghiệp(DN) sản xuất tôn thép chân chính đang ngày càng bị thu hẹp bởi tình trạng tôn thép giả tràn lan, giá rẻ nhưng chất lượng kém. Nhiều DN  tôn thép bắt buộc phải làm ẩu để có thể tồn tại. Nếu không có sự vào cuộc quyết liệt thì ngành tôn thép Việt Nam có thể bị hủy hoại vì hàng giả, hàng nhái.

Người tiêu dùng bị móc túi cả nghìn tỷ đồng ảnh 1Nhiều doanh nghiệp tôn thép bức xúc vì tình trạng tôn thép giả lũng loạn thị trường

Thị trường rộng, hàng giả tràn lan

TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế cho biết, hiện ngành tôn và thép của nước ta có công suất vào khoảng 10 triệu tấn/năm, trong khi lượng tiêu thụ trong nước ở mức 6 triệu tấn/năm, chưa kể 1,5 triệu tấn nhập khẩu gây sức ép rất lớn lên ngành tôn thép trong nước. Đáng nói, đa số các DN Việt Nam trong lĩnh vực này đều có quy mô nhỏ so với thế giới, không quá 3 triệu tấn/năm, công nghệ lại lạc hậu, tiêu hao năng lượng, nhiên liệu quá cao, khoảng 450kwh/tấn trong khi hệ số đó ở Nga chỉ 150kwh/tấn. Chỉ có ít DN sản xuất thép và tôn có công nghệ hiện đại mới có thể cạnh tranh về chất lượng và giá thành. TS Lê Đăng Doanh cho rằng, trong tương lai gần, ngành tôn thép Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thử thách nếu không cải thiện chất lượng, công nghệ cũng như hạ giá thành sản phẩm.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam Nguyễn Văn Sưa nhận định, thị trường tôn thép ở nước ta khá rộng và phát triển rất nhanh. Tôn thép mạ và đặc biệt là tôn sơn phủ màu được sử dụng rất rộng rãi, từ thành thị tới nông thôn. Đối tượng sử dụng cũng rất đa dạng, từ người có điều kiện đến  dân nghèo ở vùng sâu, vùng xa. 

Cũng theo ông Nguyễn Văn Sưa, một đặc điểm của mặt hàng này là bằng mắt thường rất khó xác định được chất lượng. Để xác định được chính xác chất lượng (độ dày của tôn, chất lượng mạ, phủ) đòi hỏi phải có các thiết bị chuyên dụng và người có trình độ chuyên môn. Đại đa số người tiêu dùng lại chưa nắm được tiêu chuẩn, quy chuẩn về chất lượng, mẫu mã và chưa ý thức được quyền của mình. Lợi dụng điều đó, một số nhà phân phối đã nhập khối lượng lớn hàng kém chất lượng hoặc không rõ nguồn gốc, tiêu chuẩn về an toàn... từ Trung Quốc về để làm nhái, làm giả thương hiệu nội địa hoặc phân phối xuống các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi người tiêu dùng ưa chuộng hàng giá rẻ.

Nhức nhối cả xã hội

Ông Nguyễn Văn Sưa cho biết, hàng giả, hàng nhái thường in nhãn mác giả, lấy cắp thương hiệu của các nhà sản xuất có uy tín in, dập lên hàng kém chất lượng; bán hàng không đúng quy cách, kích thước, chất lượng… và đặc biệt là gian lận độ dày của tôn; khi bán hàng không xuất hóa đơn tài chính. Tôn thép giả, nhái đang nhức nhối trong toàn xã hội, làm mất uy tín của các DN trong nước,  giảm thị phần của các DN chân chính. Người tiêu dùng bị các cơ sở sản xuất tôn thép giả móc túi cả nghìn tỷ đồng vì mua phải tôn không đúng độ dày, chất lượng kém, ảnh hưởng đến công trình sử dụng sản phẩm; ngân sách Nhà nước mất một khoản không nhỏ  do các DN làm ăn không đàng hoàng trốn thuế. Tình trạng này còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh trong cộng đồng các DN sản xuất tôn thép, có thể kéo lùi phát triển của lĩnh vực sản xuất này. 

Ông Lê Phước Vũ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Hoa Sen cho biết, theo tính toán, mỗi mét tôn giả, người tiêu dùng sẽ bị thiệt hại khoảng 4.000 - 6.000 đồng. Với ước tính, lượng tôn thép giả đang chiếm 20% thị phần, tương đương khoảng 346.000 tấn, thì số tiền người tiêu dùng bị móc túi là gần 400 tỷ đồng. Chưa kể, công trình dùng phải tôn thép giả cũng sẽ không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, nhanh hư hỏng và xuống cấp. 

Cùng chung nỗi bức xúc về tình trạng tôn nhái, tôn giả, ông Trịnh Đình Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Tôn mạ Vnsteel Thăng Long bày tỏ, khoảng năm 2010, khi sản phẩm tôn mạ của công ty với thương hiệu tôn Thăng Long và tôn Việt Ý đã được thị trường chấp nhận thì bắt đầu xuất hiện hàng nhái, hàng giả trên thị trường. Đặc biệt tại những thị trường có sức tiêu thụ lớn, tôn của Công ty đã bị các xưởng cán sóng in nhái thương hiệu một cách phổ biến với số lượng lớn. Để đối phó, Công ty phải nghĩ ra nhiều biện pháp như tăng cường quảng bá, xúc tiến tư vấn cho người tiêu dùng phân biệt; xây dựng hệ thống phân phối ổn định; cải tiến mẫu mã, công nghệ in ấn… Tuy nhiên, những biện pháp này cũng chỉ làm giảm mức độ hàng giả, hàng nhái trên thị trường.