Ngừng tăng độ cận thị bằng tạo hình củng mạc
(ANTĐ) - Theo khảo sát mới đây của ngành Y tế, có đến 72,3% học sinh bị tật khúc xạ về mắt (cận, viễn, loạn thị), trong đó riêng cận thị chiếm 47,5% và đã trở thành căn bệnh học đường.
Nên cho trẻ đi kiểm tra mắt thường xuyên |
Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng nhận biết hình thể, sự nhanh nhạy, năng động, giao tiếp xã hội mà còn gây ra nhiều hạn chế trong việc học tập và giao tiếp, khám phá thế giới giới xung quanh.
Đáng chú ý, kết quả nghiên cứu của Viện Mắt Trung ương khi khảo sát, thống kê toàn bộ học sinh phổ thông từ 6 đến 18 tuổi đi khám lại tại Bệnh viện Mắt Trung ương cho thấy, trẻ tăng độ cận thị mạnh nhất ở độ tuổi 12-13. Đây là giai đoạn dậy thì, cơ thể phát triển nhanh nhất, trục nhãn cầu dài ra nên mức tăng cận thị cũng nhanh hơn. Số liệu khảo sát cho thấy, lứa tuổi học sinh đầu cấp THCS (12-13 tuổi) có tốc độ tiến triển cận thị nhanh nhất: 0,75D (đi ốp)/năm, hơn hẳn mức tăng trung bình của học sinh phổ thông nói chung vốn đã ở mức khá cao (0,6D/năm).
Hiện nay, để điều trị bệnh cận thị, ngoài việc đeo kính, điều trị nội khoa, rạch giác mạc hình nan hoa làm thay đổi hình thể giác mạc, điều trị bằng tia laser aeximer… thì phổ biến nhất vẫn là phương pháp lasik. Bằng một dụng cụ chuyên dụng, bác sĩ sẽ tạo một vạt giác mạc rồi nâng lên để bộc lộ phần giác mạc phía dưới. Phần giác mạc được bộc lộ này sẽ chịu tác động để thay đổi cấu trúc nhằm đáp ứng những yêu cầu đặt ra, sau đó vạt giác mạc sẽ được đặt lại vào vị trí cũ. Tuy nhiên phương pháp này chỉ được chỉ định thực hiện ở các bệnh nhân trên 18 tuổi. Do vậy, với lứa tuổi có tốc độ tiến triển cận thị nhanh thì phương pháp này lại không phát huy được tác dụng. Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện Mắt Việt - Nga đã thành công trong tạo hình củng mạc điều trị cận thị nặng cho trẻ em. Đây là một phẫu thuật ít tổn thương và không có biến chứng đáng kể giúp làm giảm mức độ tiến triển của bệnh cận thị xuống 2,5 lần.
Bệnh nhi được chỉ định phẫu thuật tạo hình củng mạc nhằm gia cố lớp màng ngoài cùng của nhãn cầu. Phẫu thuật này không giúp tăng thị lực cho bệnh nhân mà ngăn chặn sự tiến triển của cận thị do trục nhãn cầu bị kéo dài, nhờ đó ngăn chặn sự suy giảm thị lực và ổn định cận thị. Phương pháp này tiến hành rất đơn giản, thông qua một vết cắt rất nhỏ trong mắt (trẻ trên 10 tuổi sẽ gây tê tại chỗ, còn dưới 10 tuổi sẽ gây mê), các chuyên gia sẽ đưa vào thành sau của nhãn cầu 4 miếng gép củng mạc, gắn chặt vào củng mạc của bệnh nhân giúp củng mạc bền chắc, nhờ đó nhãn cầu không bị kéo giãn ra, đồng thời nó có tác dụng hoạt huyết cho nhãn cầu giúp nhãn cầu ngăn chặn thoái hóa võng mạc ngoại vi, một biến chứng thường gặp ở bệnh nhân cận thị nặng và tiến triển.
Sau phẫu thuật từ 5 đến 7 ngày, bệnh nhân sẽ bình phục mà không phải áp dụng chế độ sinh hoạt đặc biệt nào, chỉ cần tránh tiếp xúc, va đập trực tiếp vào mắt. Theo chuyên gia của Viện Mắt quốc tế Việt-Nga, tuy phương pháp này không làm bệnh nhân hết cận hoàn toàn, không làm mắt sáng lên được nhưng sẽ giữ nguyên độ cận. Nếu cứ để tăng tự nhiên, đến khi trưởng thành (trên 18 tuổi) và độ cận ổn định mới tiến hành phẫu thuật lasik thì có những trẻ độ cận sẽ tăng rất cao và ảnh hưởng nhiều đến thị lực, cấu trúc của mắt.
Đây là một phương pháp mới trong điều trị cận thị, đặc biệt là đối với trẻ đang phát triển. Tuy nhiên theo các chuyên gia, biện pháp lâu dài và khoa học để ngăn ngừa cận thị cho trẻ là phải đảm bảo 2 yếu tố, đó là tránh mắt phải điều tiết quá nhiều bằng cách duy trì cho trẻ phương pháp học tập khoa học như: ngồi đúng tư thế, đủ ánh sáng, khoảng cách đọc, nghỉ ngơi hợp lý… Đồng thời bổ sung những chất giúp giác mạc, thủy tinh thể… luôn ở trong trạng thái hoạt động tốt nhất và những hoạt chất giúp tăng cường thị lực cho mắt như: Lutein,
Zeaxanthin, Vitamin A, Vitamin E, Vitamin C, Kẽm… Những chất này chỉ có thể có được từ chế độ dinh dưỡng hợp lý hoặc bổ sung bằng cách sử dụng các sản phẩm đặc biệt dành riêng cho mắt từ bên ngoài.
Duy Minh