Nghịch lý tăng cước vận tải thách thức dư luận

ANTĐ - Trong khi các đoàn kiểm tra giá cước vận tải của các bộ, sở , ngành liên quan đang tích cực vào cuộc thì một số doanh nghiệp (DN) vận tải lại thách thức cơ quan chức năng và dư luận khi chính thức gửi thông báo tăng giá cước dịp Tết Nguyên đán. 

Nghịch lý tăng cước vận tải thách thức dư luận ảnh 1Một số DN vận tải vẫn tăng giá cước, bất chấp yêu cầu giảm giá

Tự ý thông báo tăng cước?

Ông Nguyễn Tất Thành, Giám đốc Bến xe phía Nam cho hay, đến ngày 29-1, đơn vị đã nhận được thông báo giảm giá cước vận tải của 65/150 DN đang kinh doanh vận tải khách tuyến cố định tại bến. Đáng nói, bến vừa nhận được 2 hồ sơ xin tăng giá xe trong dịp Tết Nguyên đán. Cụ thể, Công ty TNHH Hiền Phước, chạy tuyến Giáp Bát - TP.HCM trong bảng kê khai mức giá gần đây đã tăng giá cước với mức dao động từ 20-60%, tùy thời điểm. Ví dụ, chiều TP.HCM - Hà Nội giá vé sẽ tăng từ 880.000 đồng/vé lên 1.408.000 đồng/vé, áp dụng từ ngày 10 đến 19-2; chiều ngược lại giữ nguyên. Sau Tết Nguyên đán chiều Giáp Bát - TP.HCM tăng từ 880.000 đồng lên 1.408.000 đồng/vé áp dụng từ 19 đến 25-2, chiều ngược lại giữ nguyên. Tương tự, Công ty TNHH Dịch vụ vận tải và thương mại Hùng Thắng chạy tuyến Giáp Bát - Thạch Thành (Thanh Hóa), trong phương án giá gửi đến bến phía Nam cũng tăng 40% giá vé (từ mức 80.000 đồng/khách lên 112.000 đồng/khách), áp dụng từ ngày 8 đến 28-2 trên cả hai chiều. 

Tại Bến xe Nước Ngầm, ông Nguyễn Văn Lập –  Giám đốc bến cho biết, đến cuối ngày 

29-1 đã có 34/88 DN vận tải thông báo giảm cước với mức từ 2-20%. Tuy nhiên, bến cũng vừa nhận được thông báo tăng giá cước dịp Tết Nguyên đán của 2 đơn vị. Cụ thể, Công ty TNHH vận tải ô tô Chín Nghĩa tăng giá vé chiều Hà Nội - Quảng Ngãi từ mức 350.000 đồng/vé lên 490.000 đồng/vé, tức là tăng 40% từ ngày 19 đến 21-2; HTX xe khách Trung Nam tăng giá lần lượt từ 20-60% tùy vào từng thời điểm, áp dụng từ ngày 31-1 đến ngày 21-2. 

Trao đổi với phóng viên Báo An ninh Thủ đô chiều qua 29-1, bà Vương Thu Hằng, Trưởng phòng Giá, Sở Tài chính Hà Nội khẳng định, có nhận được một số hồ sơ đề xuất xin tăng giá cước vận tải (phụ thu) vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới, trong số này có Công ty TNHH Hiền Phước. Tuy nhiên, Sở Tài chính chưa chấp thuận cho bất kỳ DN nào.  Như vậy, việc Công ty TNHH Hiền Phước tự ý gửi thông báo tăng cước vận tải đến Bến xe phía Nam là vi phạm. 

Mới có 1/3 DN vận tải giảm cước

Bà Lê Thị Loan, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho rằng, phải xử lý nghiêm những DN cố tình chây ỳ không giảm giá cước vận tải. Sở đã có văn bản tham mưu, đề xuất với UBND TP Hà Nội về việc này. Trong đó, nhấn mạnh vai trò quản lý của Sở GTVT Hà Nội. “Theo Luật Quản lý giá, đơn vị nào quản lý trực tiếp thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm chính. Trong vấn đề thanh tra, kiểm tra giá cước vận tải thì Sở GTVT phải chịu trách nhiệm chính”, bà Lê Thị Loan khẳng định.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, hiện chưa có kết quả thanh tra, kiểm tra từ các đoàn, bởi theo thời hạn mỗi DN kiểm tra không quá 5 ngày kể từ khi công bố quyết định kiểm tra. Các đoàn kiểm tra sẽ định kỳ báo cáo kết quả kiểm tra với Bộ Tài chính, Bộ GTVT. Nếu phát hiện DN nào vi phạm pháp luật về giá sẽ xử lý nghiêm, đúng quy định pháp luật, nhằm chấn chỉnh việc chấp hành pháp luật về giá của các đơn vị kinh doanh vận tải trong điều kiện giá xăng dầu giảm sâu trong thời gian qua.

Theo thông tin từ Sở Tài chính Hà Nội, tính từ thời điểm quý IV-2014 đến 28-1-2015, đã tiếp nhận 150 hồ sơ kê khai giảm giá cước taxi của 86 hãng taxi, trong đó nhiều hãng taxi đã 3 lần kê khai giảm giá như Mai Linh, taxi Long Biên, Vạn Xuân, Thanh Nga…, với mức giảm giá phổ biến từ 12- 16%. Sở cũng đã nhận được 39 hồ sơ kê khai giảm giá của 31 DN kinh doanh vận tải khách tuyến cố định, trong đó một số đơn vị đã giảm giá 2 lần. Sở Tài chính sẽ tiếp tục đôn đốc các DN kê khai giảm giá. Trường hợp DN cố tình không điều chỉnh giá hoặc chỉ giảm chiếu lệ, không phản ánh đúng chi phí thực tế, Sở Tài chính sẽ cùng liên ngành TP gồm Sở GTVT, Cục thuế, CATP kiểm tra và xử phạt vi phạm theo quy định.