Ngày mua sắm trực tuyến 2015: Người mua lạc vào ma trận giá

ANTĐ - Hàng nghìn sản phẩm giảm giá sâu đã được mua trong ngày mua sắm trực tuyến - OnlineFriday 2015. Đây là lần thứ hai Bộ Công Thương tổ chức chương trình này nhằm kích cầu tiêu dùng và góp phần thúc đẩy thương mại điện tử tại Việt Nam.
Ngày mua sắm trực tuyến 2015: Người mua lạc vào ma trận giá ảnh 1

Cùng một sản phẩm, cùng doanh nghiệp bán ra nhưng có nhiều mức giá khác nhau

Giảm khuyến mãi ảo

Chị Nguyễn Thu Hồng - một nhân viên công ty truyền thông cho biết: “Điểm nổi bật nhất của chương trình là website OnlineFriday.vn có mục so sánh giá sản phẩm được bán trong chương trình với giá thị trường, giúp người mua yên tâm hơn. Tâm lý của người mua hàng qua mạng là muốn mua được hàng giá rẻ nhưng lại hoài nghi xem liệu giá rẻ như vậy, hàng có tốt không hoặc giá giảm sâu là thật hay là ảo? Chức năng so sánh giá đã giúp người mua giải tỏa phần nào băn khoăn này”.

Người mua hàng này dẫn chứng, ở nhóm hàng đồng hồ, phần lớn các  mẫu đồng hồ đều có giá so sánh, để người tiêu dùng chọn sản phẩm phù hợp. Chẳng hạn, đầu giờ chiều qua, đồng hồ nam Rotary - GS 00174-06 tại trang muahangngoai24.com, ghi giá niêm yết 15.500.000 đồng/chiếc, sau khi giảm 81% còn 2.990.000 đồng/chiếc. Website có giá so sánh, giá thị trường chỉ 2.250.000 đồng/chiếc.

“Với thông tin công khai thế này, tôi sẽ chọn mua sản phẩm ngoài thị trường. Dù mất công đi mua nhưng giá rẻ hơn và được sờ tận tay sản phẩm để biết chất lượng. Hơn nữa, so sánh này cũng cho thấy, doanh nghiệp đã đưa ra mức giá quá “ảo” để rồi tự giảm sâu đến hơn 80% nhằm “câu khách”- chị Nguyễn Thu Hồng nói.

Tương tự, tại nhiều ngành hàng như: thiết bị số, dụng cụ gia đình, thực phẩm chức năng… sản phẩm phần lớn được so sánh giá. Tuy nhiên, hàng nghìn sản phẩm khác thuộc lĩnh vực người tiêu dùng quan tâm như: quần áo thời trang, làm đẹp, mỹ phẩm, ăn uống và một số sản phẩm có mức giá cao, từ vài triệu đến vài chục triệu đồng/sản phẩm lại không có giá thị trường để làm căn cứ cho người tiêu dùng. 

Vẫn tự nâng giá rồi tự giảm?

Lúc 17h10 ngày 4-12, trên  website OnlineFriday.vn, ngành hàng điện thoại di động đăng tải thông tin iPhone 6S Plus 64GB MKU92VN/A Rose Gold bán tại hc.com.vn có giá niêm yết 25.690.000 đồng/chiếc; mặc dù ghi giảm 0% nhưng giá thực bán còn 24.050.000 đồng/chiếc. Truy cập trực tiếp vào website của doanh nghiệp, giá niêm yết của máy này là 24.690.000 đồng/chiếc, thấp hơn 1 triệu so với giá trên   OnlineFriday, và sau khi giảm giá còn 24.150.000 đồng/chiếc. Một số sản phẩm khác cũng xảy ra tình trạng tương tự. 

Kỳ vọng được mua chiếc iPhone trên với giá rẻ hơn, nhưng anh Nguyễn Ngọc Anh (nhân viên văn phòng) cho biết: “Ma trận giá cả này khiến người tiêu dùng mất niềm tin. Khuyến mãi ảo vẫn còn. Chưa kể chất lượng hàng giảm giá không biết có đảm bảo không”.

Theo chị Nguyễn Thúy Nga - nhân viên đại lý bán vé máy bay, giá dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng trong chương trình sau khi giảm mạnh 30-40% vẫn cao hơn so với giá thị trường từ vài trăm nghìn đến cả chục triệu đồng.

Bên cạnh đó, đối với một số khách sạn có tên tuổi được đăng tải, khách hàng đăng nhập vào thấy báo lỗi. “Chúng tôi mua hàng hóa dịch vụ trực tuyến là “đánh cược” về chất lượng, vì không được sờ tận tay sản phẩm. Thông tin cung cấp về sản phẩm sơ sài, không đủ tin cậy. Động lực duy nhất là giá rẻ và giảm được thời gian mua trực tiếp, nhưng liệu với chênh lệch giá trên, chúng tôi có tin mình đã bỏ nhiều tiền để mua được dịch vụ tốt hơn thông thường?”- chị Nguyễn Thúy Nga chia sẻ.

Ngoài ra, đến 15h30 ngày 4-12, nhiều mặt hàng đã không còn để bán. Chẳng hạn, tại sendo.vn, hai loại máy xông mũi họng Omron NE-U22 và NE- C30 được giảm giá 50%, còn 5.490.000 đồng và 2.450.000 đồng/chiếc đã kết thúc khuyến mãi. Chương trình khuyến mãi đối với một số sản phẩm thời trang tại website này cũng kết thúc sớm. 

Phản ánh từ người tiêu dùng cho thấy, từ 7h30- 8h sáng qua (4-12), tốc độ truy cập vào   website OnlineFriday.vn của chương trình rất chậm. Từ sau 8h đến chiều tối cùng ngày, việc truy cập lại được thực hiện bình thường và nhanh chóng. 

Trao đổi với báo chí, ông Vũ Vinh Phú - nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội cho rằng, các hoạt động khuyến mãi hiện nay chủ yếu chưa bài bản và còn nhiều khuyến mãi giả. Tính chuyên nghiệp, trung thực và tạo niềm tin cho khách hàng là quan trọng nhưng Việt Nam chưa làm được.