Ngày càng nhiều doanh nghiệp nước ngoài giăng "bẫy" xuất khẩu

ANTD.VN - Bộ Công Thương liên tiếp đưa ra cảnh báo về tình trạng doanh nghiệp nước ngoài lừa đảo khi làm ăn kinh doanh với doanh nghiệp Việt Nam.

Thận trọng xác minh thông tin doanh nghiệp nước ngoài khi hợp tác kinh doanh

Mới đây, Thương vụ Việt Nam tại Myanmar cho biết, từ giữa năm 2018 đến đầu năm nay, một số doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hạt tiêu trắng, tiêu đen sang Myanmar nhưng thường xuyên bị công ty Ngwe Galon Min (nhà nhập khẩu có trụ sở tại Yangon) từ chối nhận hàng.

Công ty này chỉ thanh toán tiền cọc 10-30% giá trị lô hàng và đưa lý do là gặp khó khăn về tài chính, chất lượng hạt tiêu không đảm bảo...

Tuy nhiên, Thương vụ nhận định, đây chỉ là “cớ” mà doanh nghiệp Myanmar đưa ra khi giá hàng vào thời điểm giao hàng thấp hơn so với dự kiến ban đầu.

Để tránh rủi ro lớn, doanh nghiệp Việt Nam đã buộc phải làm thủ tục tái xuất. Hải quan Myanmar cũng đã đưa công ty này vào danh sách theo dõi và cảnh báo các lô hàng có thể không được tái xuất về Việt Nam.

Đây chỉ là một trong nhiều vụ việc doanh nghiệp Việt Nam gặp thiệt hại khi làm ăn với các đối tác nước ngoài. Chỉ tính riêng từ đầu tháng 10-2019 đến nay, Thương vụ Việt Nam tại các nước đã liên tiếp đưa ra cảnh báo về tình trạng này.

Theo Thương vụ Việt Nam tại Maroc, doanh nghiệp Việt Nam gần đây đã đề nghị điều tra, xác minh danh tính các đối tác thương mại tại Cộng hòa Benin.

Qua xác minh cho thấy có nhiều “công ty ma” với các mánh khóe nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của các công ty xuất khẩu nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Việt Nam.

Để tăng niềm tin, một số công ty Benin còn chủ động cung cấp hồ sơ giấy tờ nhằm khẳng định tính pháp lý của doanh nghiệp mình như giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy xác nhận các loại, tài khoản ngân hàng…

Những giấy tờ này thường đầy đủ chữ ký và dấu của các cơ quan có thẩm quyền địa phương nhưng thường là giấy tờ và con dấu giả nên doanh nghiệp Việt Nam rất khó phân biệt.

Cũng trong đầu tháng 10-2019, Thương vụ Việt Nam tại Algeria kiêm nhiệm Senegal cũng nhận được thư của một doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu nhờ đòi tiền hàng của đối tác tại khu vực này.

Cụ thể, doanh nghiệp này đã bán cho công ty có tên GSN International tại Dakar, Senegal một container tiêu đen 40 feet trị giá 61.750 USD (gần 1,5 tỷ đồng). Hình thức thanh toán là giao chứng từ trả tiền ngay thông qua ngân hàng. Tuy nhiên, đối tác này đã không thanh toán sau khi nhận hàng.

Thực tế cho thấy, khi giao dịch với doanh nghiệp ở bất cứ thị trường nào, nếu không thận trọng đều có thể gặp đối tượng lừa đảo. Tình trạng này cũng không phải bây giờ mới xuất hiện. Tuy nhiên, khi Việt Nam mở cửa thị trường rộng hơn, đối tác đa dạng hơn thì nguy cơ bị lừa đảo cũng cao hơn.

Các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cho rằng, để tránh những thiệt hại như trên, doanh nghiệp Việt Nam cần tìm hiểu kỹ đối tác kinh doanh. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu kỹ thông lệ thị trường để phát hiện những bất thường của đối tác. Doanh nghiệp Việt Nam cũng có thể để nghị các Thương vụ hỗ trợ xác minh thông tinh doanh nghiệp để không bị mắc “bẫy” khi xuất khẩu.