Ngân hàng Nhà nước lý giải vì sao không phá giá tiền đồng

ANTD.VN - Mặc dù tại một số nước, việc điều hành tỷ giá có hoạt động phá giá và tăng giá đồng tiền bản địa nhưng ở Việt Nam, tỷ giá tương đối ổn định. 

Không phá giá tiền đồng

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, việc điều hành tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua được đánh giá là hài hòa. “Tỉ giá đang được điều hành hài hòa. Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cũng nhận định chính sách điều hành tỉ giá hiện nay đang điều hành hợp lý” – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú khẳng định.

Theo Phó Thống đốc, mặc dù tại một số nước, việc điều hành tỉ giá có phá giá và tăng giá nhưng Việt Nam, tỉ giá tương đối ổn định, thanh khoản thị trường được đảm bảo, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.

“Ngân hàng nhà nước tính toán trên bài toán tổng thể giữa xuất nhập khẩu, nợ nước ngoài, tài khoản vãng lai, làm sao cho hợp lý và đảm bảo lợi ích cao nhất cho quốc gia, đảm bảo yếu tố ổn định tâm lý cho thị trường.

Có ý kiến cho rằng cần phá giá tiền đồng vì thời gian qua xuất khẩu chậm lại. Nhưng Việt Nam không thể lấy tỉ giá làm công cụ chỉ thúc đẩy xuất khẩu vì nhập khẩu cũng là vấn đề lớn cần lưu tâm. Đó là lý do vì sao Ngân hàng Nhà nước quyết định không phá giá tiền đồng” – ông Đào Minh Tú phân tích.

Ngân hàng Nhà nước cho rằng không cần thiết phá giá tiền đồng thời điểm này

Giảm lãi suất hay không phụ thuộc nhiều yếu tố

Về lãi suất, trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương các nước liên tục cắt giảm lãi suất, từ ngày 16/9/2019, Ngân hàng Nhà nước cũng đã điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành để tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ nền kinh tế và thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành nhằm phát đi tín hiệu rằng nền kinh tế tiếp tục ổn định, việc giảm lãi suất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên, các ngân hàng thương mại tham chiếu vào lãi suất của Ngân hàng Nhà nước để giảm lãi suất cho vay.

“Mức lãi suất là một trong những bài toán khó nhất của điều hành chính sách tiền tệ, làm sao để hài hòa lãi suất cho vay - lãi suất tiền gửi, hài hòa giữa doanh nghiệp và ngân hàng… Thời gian qua, nhìn chung, hầu hết, các doanh nghiệp không kêu ca về lãi suất” – Phó Thống đốc cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, từ nay đến cuối năm, quan điểm của cơ quan quản lý là ổn định lãi suất. “Còn giảm hay không phụ thuộc nhiều yếu tố; giảm cho đối tượng nào, lĩnh vực nào thì còn phụ thuộc quan hệ tín dụng giữa đối tượng đó với ngân hàng. Trên thực tế thời gian qua, các ngân hàng cũng đã đưa ra nhiều gói tín dụng rất tốt cho các đối tượng ưu tiên” – Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Dừng cho vay ngoại tệ là hợp lý

Bắt đầu từ hôm nay, 1/10/2019, các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ dừng cho vay ngoại tệ trung và dài hạn để thanh toán ra nước ngoài tiền nhập khẩu hàng hoá, dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu trong nước ngay cả khi khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất, kinh doanh.

Đây là lộ trình được Ngân hàng Nhà nước đề ra tại Thông tư 42/2018/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24/2015/TT-NHNN quy định về cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú.

Theo Ngân hàng Nhà nước, thông tư này nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, từng bước thực hiện lộ trình chuyển dần quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, đây là chủ trương, định hướng của Chính phủ và “đáng lẽ ra phải làm sớm hơn, nhưng chúng ta tạo điều kiện cho doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp đặc thù”. Nay xét trong điều kiện nền kinh tế đang ổn định và dự trữ ngoại tệ và cân đối được trạng thái ngoại tệ dài thì đây là lúc chấm dứt cho vay ngoại tệ. Chính sách này không phải đột ngột mà các doanh nghiệp đã tiếp nhận một cách chủ động.

Để hỗ trợ doanh nghiệp khi mua bán ngoại tệ, hiện Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép rất nhiều ngân hàng được phép mua bán ngoại tệ. Trong trạng thái cân đối ngoại tệ với dự trữ ngoại hối hiện khoảng 70 tỉ USD và tỉ giá ổn định đảm bảo quan hệ mua bán ngoại tệ giữa ngân hàng với nhu cầu của khách hàng rất thuận lợi. Ngân hàng sẵn sàng mua ngoại tệ của khách hàng và bán ngoại tệ cho khách hàng khi có nhu cầu chính đáng.