Ngân hàng Nhà nước: Đến lúc cần thực thi chính sách tín dụng thận trọng

ANTĐ - Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36 được đưa ra lấy ý kiến đã nhận được nhiều đánh giá trái chiều. Để làm rõ hơn những tác động, Ngân hàng Nhà nước vừa chính thức lên tiếng. 

Ngân hàng Nhà nước: Đến lúc cần thực thi chính sách tín dụng thận trọng ảnh 1Ngân hàng Nhà nước cho rằng, việc thực hiện các quy định sẽ không ảnh hưởng lớn
tới dòng vốn vào thị trường bất động sản

Đã đến lúc cần thực thi chính sách tín dụng thận trọng

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc đưa ra dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư số 36/2014/TT-NHNN dựa trên một số căn cứ. Cụ thể là tại Nghị quyết số 51 của Chính phủ ngày 2-7-2015, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước điều hành tăng trưởng gắn với bảo đảm cơ cấu tín dụng phù hợp, trong đó tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh... giám sát chặt chẽ cho vay lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, dự án có thời hạn thu hồi vốn dài.

Thông báo số 251/TB-VPCP ngày 28-7-2015 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh về nhiệm vụ của Ngân hàng Nhà nước và các bộ phải thận trọng, kiểm soát việc cho vay mới đối với lĩnh vực bất động sản.

Bên cạnh đó, có những rủi ro mới có chiều hướng gia tăng trong hoạt động tín dụng ngân hàng trong năm 2015. Đó là tín dụng trung, dài hạn tăng rất nhanh (29%) và chiếm tỷ trọng gần 50% tổng dư nợ tín dụng (theo chiều hướng tăng liên tục) làm gia tăng rủi ro mất cân đối kỳ hạn nguồn vốn và sử dụng vốn. Việc gia tăng đầu tư tín dụng trung, dài hạn có thể tạo áp lực lên huy động vốn trung, dài hạn, cũng như mặt bằng lãi suất trên thị trường.

Tín dụng trung, dài hạn cho lĩnh vực đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng cũng tăng khá nhanh. IMF vừa mới có cảnh báo Việt Nam về việc tập trung tín dụng cho các lĩnh vực này.

“Xét trong bối cảnh Việt Nam, nhu cầu vốn của nền kinh tế cho đầu tư, thương mại và sản xuất kinh doanh, đặc biệt là vốn trung và dài hạn rất lớn, trong khi nguồn vốn này rất hạn chế, ngay cả đối với hệ thống ngân hàng. Do đó, nguồn vốn trung, dài hạn cần phải ưu tiên sử dụng cho các mục đích an toàn, hiệu quả kinh tế nhất và phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội”, Ngân hàng Nhà nước đánh giá.

Do đó, vốn cho vay của các tổ chức tín dụng là vốn huy động từ tiền gửi của nhân dân và phải được phân bổ, sử dụng một cách an toàn, hiệu quả nhất, chứ không phải dành riêng hay dồn vốn cho bất động sản. Nói cách khác, trách nhiệm của ngành ngân hàng là phải bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và an toàn tiền gửi của nhân dân. Theo đó, ngân hàng không thể tự đặt mình vào trạng thái rủi ro quá mức do tập trung đầu tư vốn cho một hoặc một số ít lĩnh vực rủi ro.

Tác động không quá lớn

Ngân hàng Nhà nước cho rằng, chúng ta đã có bài học đắt giá về tập trung cho vay động sản trong giai đoạn 2006-2010 để rồi tự đẩy ngân hàng vào trạng thái rủi ro quá mức cùng với thị trường và nhà đầu tư, trong đó không ít ngân hàng khó khăn, thua lỗ, thậm chí lâm vào tình trạng phá sản vì cho vay bất động sản.

Cũng theo khẳng định của Ngân hàng Nhà nước: “Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 36 không làm giảm vốn tín dụng ngân hàng cho thị trường bất động sản”.

Cơ quan này phân tích, giả định mọi yếu tố khác không thay đổi, với quy mô và cơ cấu nguồn vốn tại thời điểm cuối năm 2015, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung-dài hạn bình quân của hệ thống các tổ chức tín dụng là 31% (đang có chiều hướng tăng nhanh) thì các tổ chức tín dụng vẫn còn có khả năng cấp tín dụng trung, dài thêm cho nền kinh tế, bao gồm cả lĩnh vực bất động sản với số tiền lên đến khoảng 540.000 tỷ đồng mới tới giới hạn tỷ lệ này 40% theo quy định của dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 36.

Quy định điều chỉnh hệ số rủi ro các khoản cho vay kinh doanh bất động sản từ 150% lên 250% ảnh hưởng trực tiếp không đáng kể đến tỷ lệ an toàn vốn. Theo đó, tỷ lệ an toàn vốn bình quân của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng giảm từ 13% xuống 12,1%. Tỷ lệ an toàn vốn bình quân toàn hệ thống đến cuối năm 2015 là 13% thì các tổ chức tín dụng vẫn còn có thể cho vay kinh doanh bất động sản, với số vốn bổ sung lên đến khoảng 650.000 tỷ đồng mới tới giới hạn tỷ lệ an toàn vốn 9%.

“Như vậy, việc điều chỉnh quy định tại thông tư 36 ảnh hưởng không đáng kể đến dòng vốn tín dụng vào thị trường bất động sản. Vấn đề là người đầu tư, kinh doanh bất động sản có đáp ứng được các chuẩn mực an toàn, điều kiện vay vốn để các tổ chức tín dụng rót vốn đầu tư không”, Ngân hàng Nhà nước chỉ rõ.

Cũng theo cơ quan điều hành chính sách tiền tệ, người mua nhà để ở, người thuộc các đối tượng tham gia các chương trình, chính sách nhà ở xã hội của Chính phủ và người mua bất động sản không vì mục tiêu kinh doanh không chịu ảnh hưởng của sự thay đổi quy định của Thông tư 36.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ xem xét một cách thận trọng đến nội dung thời điểm hiệu lực và lộ trình thực hiện của một số quy định mới tại dự thảo Thông tư nhằm giảm thiểu các rủi ro, tác động tiêu cực đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, thị trường bất động sản và các bên có liên quan.