Ngân hàng đua phát hành chứng chỉ tiền gửi, lãi suất vượt 9%/năm

ANTD.VN - Nhằm thu hút nguồn tiền gửi trung và dài hạn, các ngân hàng đã phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất chênh lệch khá cao so với lãi suất tiết kiệm thông thường.

Đứng đầu về lãi suất chứng chỉ tiền gửi hiện đang là Ngân hàng Việt Á (VietABank), với mức lãi suất lên đến 9,1%/năm đối với khách hàng nhận lãi cuối kỳ và 8,38%/năm với hình thức nhận lãi hàng tháng.

Chương trình này được VietABank áp dụng đến hết tháng 9 năm nay, với điều kiện khách hàng mua chứng chỉ tiền gửi tối thiểu 10 triệu đồng, kỳ hạn 24 tháng.

Như vậy, lãi suất chứng chỉ tiền gửi tại ngân hàng này đã cao hơn 1% so với mức lãi suất cao nhất tại quầy đang được ngân hàng này áp dụng.

Trước đó, Ngân hàng Sài Gòn – Hà Nội (SHB) cũng tung ra chương trình phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao nhất lên đến 8,9%/năm, áp dụng cho số tiền từ 2 tỷ đồng trở lên với thời hạn 36 tháng.

Với những khoản tiền nhỏ hơn và các kỳ hạn dưới 36 tháng, khách hàng cũng được hưởng lãi suất từ 8,6 – 8,8%/năm.

Phát hành chứng chỉ tiền gửi là cách nhiều ngân hàng huy động nguồn vốn trung và dài hạn

Tại Sacombank, mức lãi suất chứng chỉ tiền cũng được áp dụng lên tới 8,6%/năm với mệnh giá tối thiểu 1 triệu đồng, thời hạn 7 năm (84 tháng).

Đây cũng là mức lãi suất mà SeABank áp dụng cho chứng chỉ tiền gửi mệnh giá tối thiểu 100 triệu đồng, kỳ hạn 36 tháng. Với kỳ hạn 24 tháng, ngân hàng này áp dụng lãi suất 8,4%/năm.

LienVietPostBank có chương trình huy động vốn bằng chứng chỉ tiền gửi cho các kì hạn từ 15 tháng đến 36 tháng với lãi suất cao nhất 8,1%/năm, khoản tiền tối thiểu chỉ 10 triệu đồng…

Việc các ngân hàng đẩy cao lãi suất chứng chỉ tiền gửi nhằm thu hút nguồn vốn trung và dài hạn.

Đây là điều dễ hiểu trong bối cảnh quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn giảm từ 45% về mức 40% và rất có thể sẽ bị rút xuống mức 30% theo lộ trình đã được Ngân hàng Nhà nước công bố.

Hiện rất nhiều khoản cho vay của ngân hàng là cho vay bất động sản, đây là phân khúc tín dụng trung và dài hạn. Trong khi đó, vốn huy động của các ngân hàng vẫn phần lớn là ngắn hạn, điều này tạo ra rủi ro thanh khoản cho các ngân hàng.

Hơn nữa, nguồn vốn huy động từ chứng chỉ tiền gửi đối với kỳ hạn dài có tính ổn định hơn so với huy động tiết kiệm. Người gửi tiết kiệm kỳ hạn 24 tháng nhưng chưa đến hạn có thể đi rút tiền và chấp nhận mức lãi suất thấp không kỳ hạn, nhưng đối với chứng chỉ tiền gửi, người mua sẽ không thể rút tiền mà chỉ có thể cầm cố chứng chỉ tiền gửi để vay tiền ngân hàng khi cần.