Ngân hàng chia cổ tức, cổ đông ấm ức

ANTD.VN - Nhiều cổ đông của các ngân hàng thương mại hàng chục năm qua không được chia cổ tức bằng tiền mặt cảm thấy bị thua thiệt.

Lợi nhuận ngành ngân hàng khá hơn nhưng nhiều cổ đông vẫn chưa được chia cổ tức bằng tiền mặt

Năm nào cũng vậy, tới mùa đại hội cổ đông, câu chuyện được quan tâm nhất của cổ đông các ngân hàng là vấn đề chia cổ tức. Dù lợi nhuận ngành ngân hàng năm 2016 có khởi sắc nhưng nhiều cổ đông vẫn phải ngậm ngùi với “điệp khúc” chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Ngân hàng lớn cũng dùng dằng

Ngân hàng Quốc tế (VIB) là một trong số hiếm hoi những ngân hàng có kế hoạch chi trả cổ tức bằng tiền mặt trong năm nay. Dự kiến, tại Đại hội cổ đông được tổ chức vào ngày 27-4 tới đây, Hội đồng quản trị VIB trình Đại hội cổ đông duyệt kế hoạch chi trả cổ tức tiền mặt 5% (tùy thuộc phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước) và cổ phiếu thưởng 39,6%.

Tuy nhiên, VIB cũng trình Đại hội cổ đông một phương án khác là không chia cổ tức bằng tiền mặt và tăng tỷ lệ chia cổ tức bằng cổ phiếu và cổ phiếu thưởng lên tới 44,6% (bao gồm từ lợi nhuận lũy kế 8,5%, tăng vốn từ quỹ thặng dư 20,5%, quỹ bổ sung vốn điều lệ 15,6%).

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam - VietinBank, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV là 3 ngân hàng do Nhà nước nắm quyền chi phối. Năm 2016, 3 ngân hàng này đều phải trả cổ tức bằng tiền mặt theo yêu cầu của Bộ Tài chính dù rằng 2 trong số này mong muốn chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Vietcombank là một trong số ít các ngân hàng chia cổ tức bằng tiền mặt khá đều đặn. Năm 2015, cổ tức của VCB là 10% bằng tiền mặt nhưng nhà đầu tư lại khá bất ngờ khi nhận thêm được cổ phiếu thưởng 35%. Năm nay, Vietcombank đặt mục tiêu chia cổ tức 8% mệnh giá, nhưng bằng tiền mặt hay cổ phiếu thì vẫn chưa rõ. VietinBank cho biết cũng dự kiến chi cổ tức năm 2016 bằng tiền mặt với 7% mệnh giá cổ phiếu.

Một ngân hàng lớn khác là BIDV, trong Đại hội cổ đông diễn ra hôm 22-4, đã đề xuất mức cổ tức bằng cổ phiếu hoặc tiền mặt, tỷ lệ 7% và không thấp hơn tiền gửi kỳ hạn 12 tháng. Phải đến khi nhận được văn bản của Bộ Tài chính (là cổ đông lớn nhất của BIDV) yêu cầu các ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt, BIDV mới quyết định biểu quyết phương án trả cổ tức bằng tiền mặt. 

Áp lực tăng vốn điều lệ

“Điệp khúc” chia cổ tức bằng cổ phiếu tại các ngân hàng trong nhiều năm trở lại đây đã khiến các cổ đông ngán ngẩm. Một số cổ đông Ngân hàng TMCP Sài Gòn - SCB cho biết, nhiều năm qua, họ không nhận được lợi nhuận khi góp vốn vào ngân hàng. Trong khi đó, lãnh đạo ngân hàng cho biết, việc SCB không chia cổ tức là theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước chứ không phải ý kiến chủ quan của ban lãnh đạo ngân hàng.

Hiện nay, quỹ bổ sung vốn điều lệ của ngân hàng này là 650 tỷ đồng, ngân hàng khẳng định là tiền của cổ đông nhưng quy định Nhà nước chưa cho phép chia bởi SCB hiện đang trong quá trình tái cơ cấu, lợi nhuận phải giữ lại, không chia.

Trước đó, Ngân hàng Á Châu (ACB) cũng trình Đại hội cổ đông thông qua việc chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%. VPBank cũng đề xuất không chia cổ tức bằng tiền mặt mà bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Lý giải vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cho rằng, một số ngân hàng không chia cổ tức là do còn phải tập trung nguồn lực tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ mang lại giá trị cao hơn nhiều cho cổ đông trong tương lai và Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích các tổ chức tín dụng sau khi trích lập dự phòng chia cổ tức bằng cổ phiếu.

Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, dù trong năm 2016, nhiều ngân hàng làm ăn khấm khá hơn nhưng vẫn không chia cổ tức bằng tiền mặt chủ yếu do áp lực tăng vốn để đáp ứng các chuẩn mới theo quy định thực hiện Hiệp ước vốn Basel II. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận, lợi nhuận của hệ thống ngân hàng tại Việt Nam vẫn còn thấp.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, năm 2016, tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản (ROA) và tỷ suất sinh lợi trên vốn chủ sở hữu (ROE) của hệ thống tổ chức tín dụng đạt lần lượt là 0,54% và 7,87%. Dù con số này đã cải thiện đáng kể so với năm 2015 nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình thế giới là 1% và 10%.

“Với thực tế đó, việc chia cổ tức cho các cổ đông là bài toán hóc búa. Thông thường, ngân hàng chia một nửa lợi nhuận hàng năm cho cổ đông, còn lại một nửa thì dùng để bổ sung vốn tự có. Nhưng nếu lợi nhuận thấp và cổ tức tính trên mỗi cổ phần thấp thì phải lấy cả lợi nhuận để trả cổ tức, khi đó thì lấy đâu ra tiền để bổ sung vốn tự có? Ngược lại, nếu dùng số lợi nhuận ít ỏi để bổ sung vốn tự có thì đương nhiên khoản cổ tức đó đành phải chờ đến năm sau”, chuyên gia tài chính, ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu bình luận.