Ngã ngửa vì chủ đầu tư nợ thuế

ANTĐ - Hơn 7.000 tỷ đồng là tổng số tiền nợ thuế sử dụng đất của các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) trên địa bàn Hà Nội. Trong số đó có rất nhiều dự án đang bán chạy như tôm tươi của những “ông lớn” mà cái tên của họ đủ tạo niềm tin cho người mua. Người mua nhà, họ vốn chỉ quan tâm đến những yếu tố cơ bản như giá thành, vị trí căn hộ, uy tín của chủ đầu tư, tiến độ xây dựng… chứ chả mấy ai quan tâm doanh nghiệp đó có nợ thuế hay không, và cũng chả có doanh nghiệp nào dại gì đưa thông tin này đến khách hàng. Việc mua nhà của các chủ đầu tư đang nợ thuế có thể khiến người mua gặp nhiều rắc rối khôn lường.

Ngã ngửa vì chủ đầu tư nợ thuế ảnh 1Minh họa: Internet

Nhà bán hết, thuế vẫn nợ

Đa số dự án trong danh sách nợ thuế sử dụng đất chưa được triển khai, tuy nhiên cũng có không ít trường hợp đã được chủ đầu tư xây dựng và mở bán, thậm chí có dự án còn sắp bàn giao nhà. Chẳng hạn, CTCP Đầu tư và Phát triển nhà số 6 Hà Nội nợ số tiền gần 116 tỷ đồng tại Dự án Trung tâm thương mại và nhà ở C1, khu Trung Hòa - Nhân Chính (hay còn gọi là Diamond Flower Tower). Dự án đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Năm 2014, Dự án được mở bán với giá khoảng 32 triệu đồng/m2 và đến nay sản phẩm căn hộ dự án đã được bán hết. Khu chung cư cao tầng và dịch vụ Phương Đông (hay còn gọi chung cư Mỹ Sơn ở Nguyễn Huy Tưởng), của CTCP Dầu tư và xuất nhập khẩu Mỹ Sơn được mở bán đầu năm nay với giá 22-24 triệu đồng/m2, đến nay các căn hộ cũng đã bán gần hết nhưng chủ đầu tư vẫn nợ hơn 74 tỷ đồng tiền thuế. 

CTCP Đầu tư xây dựng số 9 (Hanco 9) cũng có mặt trong danh sách các doanh nghiệp chây ì thuế nhiều năm, hiện đang nợ 99,7 tỷ đồng tiền thuế của Dự án Beriver tại phường Bồ Đề, quận Long Biên. Hiện Dự án đang được hoàn thiện, còn sản phẩm đã được bán hết từ lâu. CTCP Sông Đà Thăng Long cũng cũng được nhắc đến trong danh sách nợ thuế, với số tiền chưa nộp lên đến 375 tỷ đồng. Dự án Khu tổ hợp chung cư cao tầng, biệt thự tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai của Công ty Cổ phần sản xuất bao bì và hàng xuất khẩu nợ số tiền hơn 322 tỷ đồng. 

Trước tình trạng doanh nghiệp BĐS chây ì nợ thuế, Cục thuế TP Hà Nội đã phải áp dụng nhiều biện pháp từ mềm dẻo đến cứng rắn. Bà Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng phòng Tuyên truyền Hỗ trợ người nộp thuế (Cục Thuế thành phố Hà Nội) cho biết, sau khi sử dụng những biện pháp đôn đốc doanh nghiệp nộp thuế mà doanh nghiệp vẫn không chịu nộp thì cơ quan thuế buộc phải sử dụng các biện pháp cưỡng chế.

“Chúng tôi sẽ xác định rõ số nợ, tập trung phát hành thông báo nợ, xác định số nợ chậm nộp, trên cơ sở đó thực hiện biện pháp cưỡng chế nợ như trích tiền từ tài khoản chủ đầu tư. Nếu tài khoản của chủ đầu tư không có tiền thì cơ quan thuế sẽ áp dụng tiếp biện pháp cưỡng chế như: thông báo hoá đơn không có giá trị sử dụng. Nếu chủ đầu tư thu tiền mặt mà không kê khai, cơ quan thuế sau khi cưỡng chế sẽ công khai danh sách các chủ đầu tư nợ trên địa bàn để khách hàng và các đối tác có thể năm bắt được khả năng tài chính của các chủ đầu tư cũng như tình hình chấp hành chính sách thuế với Nhà nước.” - bà Yến cho biết.

Tuy nhiên, trên thực tế đối với nhiều doanh nghiệp BĐS, những biện pháp cưỡng chế cũng chưa mang lại hiệu quả. Cục Thuế Hà Nội cho biết từ đầu năm đến nay, Cục Thuế đã áp dụng phong tỏa tài khoản với khoảng 1.200 trường hợp nhưng không thu được khoản tiền nợ nào vì tất cả tài khoản này đều… không còn một đồng nào. Hơn nữa, các giao dịch mua nhà thường bằng tiền mặt không qua tài khoản nên rất khó kiểm soát. Cơ quan này cũng đã áp dụng đòn mạnh tay nhất là vô hiệu hóa hóa đơn với nhiều doanh nghiệp, nhưng xem ra cũng không hiệu quả vì các dự án đã bán hết nhà thì hóa đơn cũng đã cấp hết, còn dự án chưa bán nhà thì doanh nghiệp cũng sẽ không thể bán được nhà mà thu tiền về nộp cho cơ quan thuế.

Mới đây, tên các doanh nghiệp chây ì nợ thuế đã được cơ quan thuế công bố công khai. Theo đại diện Cục Thuế Hà Nội thì sau động thái này, một số doanh nghiệp đã ý thức hơn, chủ động liên hệ với cơ quan thuế để đề xuất giải pháp nộp phù hợp với điều kiện doanh nghiệp. 

Người mua nhà “ngã ngửa”

Thông tin về nhiều dự án “hot” nhưng vẫn nợ thuế đã khiến không ít khách hàng giật mình. Anh Phạm Tuấn Minh (phường Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết vợ chồng anh đang tham khảo căn hộ ở khu đô thị Phú Lương (Hà Đông). “Khu vực này khá thuận lợi cho việc đi lại của cả hai vợ chồng, hơn nữa sơ đồ quy hoạch tổng thể của dự án thì khá tốt, giá thành cũng phù hợp với gia đình. Mới đây có người nói với vợ chồng tôi là dự án này đang bị nợ thuế, bị nêu tên, tôi lên xem báo thì thấy đúng như thế nên cũng hơi lo. Vợ chồng tôi đang chờ đợi thêm thông tin xem chủ đầu tư có nộp thuế không thì mới quyết. Nếu họ không nộp thuế thì chắc chắn sẽ bị “treo” sổ đỏ, sau này mình có muốn bán lại hay đơn giản là thế chấp ngân hàng vay tiền thì cũng rất rắc rối.” - anh Minh cho biết. 

Anh Minh cũng chia sẻ trước nay tham khảo nhiều dự án nhưng chưa bao giờ để ý đến việc doanh nghiệp đã hoàn thành nghĩa vụ thuế cho Nhà nước chưa, chỉ khi cơ quan thuế nêu tên hàng loạt doanh nghiệp nợ thuế thì anh mới giật mình nghĩ đến điều này. “Chắc chắn bây giờ mua nhà mình phải hỏi bên bán về vấn đề này, nếu cần thì thậm chí có thể kiểm tra thông tin từ cơ quan thuế nữa”. 

Tương tự anh Nguyễn T.N (Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội) hiện đã mua một căn hộ ở quận Thanh Xuân cũng bức xúc cho biết thông tin dự án nơi vợ chồng anh mua nhà chưa nộp thuế đã khiến gia đình anh hoang mang.

Bởi theo dự định của vợ chồng anh, sau khi dồn hết tiền và vay mượn một vài người để mua nhà, khi có sổ đỏ sẽ thế chấp ngân hàng vay tiền để trả nợ và một phần để mở cửa hàng kinh doanh. Nếu khi hoàn thành nhà theo hẹn mà không có sổ đỏ thì vợ chồng anh sẽ rơi vào cảnh hết sức khó khăn khi số nợ đến hẹn mà không trả được, và kế hoạch kinh doanh cũng phải ngừng lại: “Tôi cứ nghĩ là họ phải hoàn thành mọi nghĩa vụ với Nhà nước thì mới được mở bán chứ. Lúc mua thì chủ đầu tư chỉ cam kết bao lâu có sổ hồng, chứ không thấy đả động gì đến việc nộp thuế hay chưa. Sau khi nghe thông tin về doanh nghiệp nợ thuế, tôi có lên mạng tìm hiểu và được biết có nhiều gia đình mua nhà cả mấy năm vẫn chưa có sổ hồng, sổ đỏ vì chủ đầu tư nợ thuế. Căn nhà là tài sản cả đời của chúng tôi mà doanh nghiệp làm ăn như vậy thì rõ ràng là không được”.

Cũng theo anh Ngọc, cơ quan thuế cũng cần làm quyết liệt hơn, những doanh nghiệp không nộp thuế thì nhất định không cấp hóa đơn để bán nhà, có như vậy thì người dân mới không bị rơi vào cái bẫy của chủ đầu tư như vậy.

Không nên mua nhà của chủ đầu tư còn nợ thuế

Ông Thái Dũng Tiến, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội đã khuyến cáo như vậy cách đây ít hôm khi trả lời trên báo chí. Theo ông Dũng thì khi doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất thì sau này người mua nhà sẽ rất khó khăn khi làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà. 

Tình trạng doanh nghiệp nợ thuế sử dụng đất không phải bây giờ mới thấy mà từ khoảng cách đây 6-7 năm, khi thị trường bắt đầu đi xuống, giao dịch chững lại, chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh đều thiếu vốn, nợ đọng lẫn nhau. Việc vay ngân hàng hàng chục, hàng trăm tỷ đồng vô cùng khó khăn, nên giải pháp của các doanh nghiệp là nợ thuế, vì đây là khoản nợ có thể “chây ì” được. Theo ông Phạm Sỹ Liêm (nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng) trong vài năm qua, doanh nghiệp BĐS không chỉ nợ thuế mà họ còn nợ cả tiền vay ngân hàng, chứ không phải họ “trốn”, bởi vì chắc chắn không thể “trốn” được. Thời điểm này thị trường ấm lên, một số dự án bán được căn hộ nhưng có tiền thì họ sẽ trả nợ cho ngân hàng đầu tiên, còn đối với thuế nếu còn có thể chậm được thì họ sẽ cố mà chậm. 

Điều 42, Nghị định 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định rất rõ, khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, gắn với chuyển nhượng dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai bao gồm: Thuế đất, tiền sử dụng đất, thuế, phí, lệ phí có liên quan đến đất đai. Khi cấp phép xây dựng, sở Xây dựng sẽ nhắc nhở chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất trước khi hết thời gian gia hạn. Nếu chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính thì chủ đầu tư không được chuyển nhượng công trình, cũng như không được chuyển nhượng, bán căn hộ. Vì vậy, nhiều người mua nhà do thiếu kinh nghiệm, khi thấy công trình được triển khai thì nghĩ rằng chủ đầu tư đã thực hiện mọi nghĩa vụ với Nhà nước, dẫn đến nhiều trường hợp mãi không có sổ đỏ vì chủ đầu tư nợ thuế. Và khi rủi ro xảy ra, người dân sẽ là đối tượng gánh chịu hậu quả. 

Vì vậy, theo ông Liêm, trước khi mua nhà ở bất cứ dự án nào, người dân cần phải tìm hiểu thật kỹ càng, ngoài những yếu tố cơ bản, những “chiêu” khuyến mại thì cần phải tìm hiểu xem doanh nghiệp có nợ thuế không và thận trọng hơn trong những giao dịch mua nhà. “Tôi lấy ví dụ khi mua tôi chỉ trả khoảng 70% tổng giá trị căn hộ thôi, khi nào chủ đầu tư giao sổ đỏ thì mới thanh toán tiếp. Phải để người bán cũng phải chịu thiệt hại khi không có sổ đỏ, chứ như hiện nay không có sổ đỏ người bán thì chẳng có thiệt hại gì chỉ có anh mua là thiệt hại lớn”. Ông cũng khuyến cáo các thủ tục, cơ sở pháp lý của một giao dịch mua bán bất động sản tương đối phức tạp, vì vậy người dân khi bỏ hàng tỷ đồng mua nhà thì nên thuê luật sư để tìm hiểu và bảo vệ quyền lợi cho mình.