“Nên tạm dừng việc thành lập mới các tập đoàn kinh tế”

(ANTĐ) -Liên quan đến câu chuyện đầu tư tràn lan của các tập đoàn kinh tế gây “nóng” nghị trường Quốc hội hôm qua (9-5), ông Vũ Viết Ngoạn (ảnh) - Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho phóng viên Báo ANTĐ biết, cơ quan này đã có báo cáo, nên tạm dừng thành lập mới mô hình này.

“Nên tạm dừng việc thành lập mới các tập đoàn kinh tế”

(ANTĐ) -Liên quan đến câu chuyện đầu tư tràn lan của các tập đoàn kinh tế gây “nóng” nghị trường Quốc hội hôm qua (9-5), ông Vũ Viết Ngoạn (ảnh) - Phó Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho phóng viên Báo ANTĐ biết, cơ quan này đã có báo cáo, nên tạm dừng thành lập mới mô hình này.

Ông Vũ Viết Ngoạn
Ông Vũ Viết Ngoạn

- PV: ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá như thế nào về tình trạng các Tập đoàn kinh tế đem vốn ngân sách “đổ” vào hoạt động đầu tư tài chính, ngân hàng thời gian qua?

- Ông Vũ Viết Ngoạn: Chuyện các đại biểu bức xúc trước vấn đề đầu tư tràn lan của các tập đoàn kinh tế lớn là có cơ sở. Thực tế hiện nay, nhiều doanh nghiệp thay vì tập trung nguồn lực, tài chính, con người cho hoạt động chính để phát huy lợi thế cạnh tranh thì lại đầu tư tràn lan vì mải chạy theo những lợi nhuận kỳ vọng trước mắt. Điều đó khiến cho nguồn lực bị phân tán, hiệu quả không cao, đồng thời kéo theo nguy cơ rủi ro rất lớn.  Bởi có những lĩnh vực tưởng như nhìn thấy tiền ngay nhưng mà không phải vậy, như mở ngân hàng chẳng hạn. Chẳng hạn, khi bỏ ra 100 đồng vốn, ngân hàng mới thu lời được 1,5-2% và thông thường, lợi nhuận thu được phải sau hàng chục năm hoạt động ổn định. Còn nếu “anh” nào tính đầu tư trong vòng 6 tháng hay 1 năm có thể thu lời là hết sức sai lầm mà chuyện các doanh nghiệp, tập đoàn “đổ xô” vào lĩnh vực này với kỳ vọng “siêu” lợi nhuận là một minh chứng.

- PV: Để xảy ra tình trạng đầu tư tràn lan, trong nhiều trường hợp nguy cơ thua lỗ đã hiện hữu, các cơ quan quản lý cũng có trách nhiệm chứ,  thưa ông?

- Ông Vũ Viết Ngoạn: Phải nói rằng, trong hoạt động này, chúng ta cũng chưa có kinh nghiệm, kể cả về mặt lý thuyết (hệ thống văn bản chính sách pháp luật) cũng như thực tế. Bởi vậy, Chính phủ mới cho thành lập một số tập đoàn mang tính thí điểm. Tôi nghĩ rằng, việc này cũng nên tạm dừng để đánh giá một cách tổng quan hơn những cái được, chưa được, trên cơ sở đó hoàn thiện thêm một bước nữa về khuôn khổ luật pháp, chính sách trước khi triển khai mở rộng hơn. Trong báo cáo của ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng vừa đề cập đến vấn đề này.

- PV: Việc dừng thành lập mới các tập đoàn để đánh giá, rút kinh nghiệm của ủy ban Kinh tế có nhận được sự đồng thuận của nhiều thành viên Chính phủ không?

- Ông Vũ Viết Ngoạn: Về phía Chính phủ thì tôi chưa rõ nhưng về phía các đại biểu Quốc hội thì có nhiều ý kiến đồng tình.

- PV: Theo ông, chúng ta có nên đặt ra quy định về việc hạn chế hoặc cấm đối với “phong trào” đầu tư tràn lan của các tập đoàn không?

- Ông Vũ Viết Ngoạn: Theo tôi, trước hết ta nên tổng kết, đánh giá trước, rút kinh nghiệm trước. Phải nói rằng, về chủ trương, đa dạng hóa đầu tư là đúng và chúng ta cần có những tập đoàn mạnh để có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nhưng vấn đề đặt ra là tập đoàn như thế nào, hệ thống quản trị ra sao, cấu trúc tổ chức như thế nào...

- PV: Một số tập đoàn của chúng ta hiện nay như Tập đoàn Dầu khí, than... không chỉ sản xuất, kinh doanh đơn thuần mà còn có tính chất “quản lý Nhà nước” luôn trong lĩnh vực hoạt động của họ. Theo ông, có nên tiếp tục tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi như vậy không?

- Ông Vũ Viết Ngoạn: Đấy cũng là một câu chuyện chưa hợp lý mà Quốc hội kỳ này sẽ phải “mổ xẻ”. Tôi cho rằng, một số tập đoàn hiện nay gần như độc quyền trong lĩnh vực đó, như  Tập đoàn Dầu khí chẳng hạn. Được Nhà nước giao độc quyền trong việc khai thác dầu khí nên tất cả nguồn vốn tập trung cho doanh nghiệp này cũng như để lại cho doanh nghiệp này phải được hiểu là để tập trung cho lĩnh vực chính đó. Nhưng thực tế, Tập đoàn Dầu khí là một trong những đơn vị có hoạt động đầu tư khá tràn lan, sang nhiều lĩnh vực không phải sở trường, trong đó có những lĩnh vực rủi ro cao hiện nay như BĐS, ngân hàng, chứng khoán... Theo tôi, vấn đề này cũng cần phải xem xét lại để đưa vào một quỹ đạo hợp lý hơn.

- PV: Hiệu quả hoạt động của khối doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hiện nay đang quá thấp có nguyên nhân từ việc nguồn lực quá bị phân tán này không?

- Ông Vũ Viết Ngoạn: Hiệu quả hoạt động của khối DNNN là mối quan tâm lớn của tất cả các nhà kinh tế, các nhà hoạch định chính sách và của người dân chúng ta. Trước hết, phải nói rằng, về tổng thể, năng suất lao động của cả nền kinh tế của chúng ta còn thấp, thấp hơn hầu hết các nền kinh tế ở cùng giai đoạn phát triển với chúng ta, đe dọa khả năng phát triển bền vững. Trong đó, khu vực DNNN, dù đang nắm trong tay một lực lượng lao động “hùng hậu” nhất, vốn chủ sở hữu lớn nhất... nhưng lại có hiệu quả hoạt động thấp nhất so với khu vực khác như tư nhân hay đầu tư nước ngoài.

Cũng có vấn đề khách quan là một số DNNN vẫn do Nhà nước quản lý về giá, như điện, than..., đồng thời phải thực hiện nhiệm vụ chính trị. Nhưng cũng phải nói rằng, nhiều doanh nghiệp khác không làm nhiệm vụ chính trị, xã hội nhưng hiệu quả cũng rất thấp. Cho nên, tôi nghĩ rằng, chúng ta tiếp tục phải đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, có nghiên cứu, thực hiện nghiêm túc việc nâng cao hiệu quả hoạt động của khối DNNN nhằm phát huy tốt nguồn lực của đất nước.

- PV: Xin cảm ơn ông!

Xuân Thu (Thực hiện)