Nâng thể lực và tầm vóc người Việt

(ANTĐ) - Để nhanh chóng nâng cao thể lực, tầm vóc và sức khỏe của người Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Chương trình tổng thể nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2010-2030.

Nâng thể lực và tầm vóc người Việt

(ANTĐ) - Để nhanh chóng nâng cao thể lực, tầm vóc và sức khỏe của người Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Đề án Chương trình tổng thể nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2010-2030.

Theo thống kê của Bộ VH-TT&DL, hiện nay tầm vóc và thể lực người Việt Nam có sự phát triển rõ rệt so với thời điểm sau năm 1975. Tuy nhiên thông tin từ Ủy ban Dân số - Gia đình & Trẻ em về thể lực và tầm vóc của người Việt Nam hiện nay cho thấy, do chậm phát triển so với chuẩn quốc tế nên chiều cao nam thanh niên Việt Nam hiện nay chỉ đạt 163,7cm (thấp hơn 13,1cm so với chuẩn) và chiều cao trung bình của nữ Việt Nam là 153cm (thấp hơn 10,7cm so với chuẩn).

Đem chỉ số trên ra so sánh với các nước khu vực châu Á, nam thanh niên Việt Nam kém thanh niên Nhật Bản 8cm, nữ kém 4cm. Còn trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là quốc gia có điều kiện tự nhiên gần giống nước ta là Thái Lan thì chiều cao của nam thanh niên Việt Nam kém 6cm, nữ kém 2cm. Chính vì vậy, Đề án Chương trình tổng thể nhằm nâng cao thể lực và tầm vóc người Việt Nam đã được xây dựng. Nội dung đề án đưa ra 2 giải pháp là trực tiếp tiến hành đồng thời thể dục thể thao và chăm sóc dinh dưỡng học đường nhằm đạt mục tiêu đến năm 2020 chiều cao trung bình của nam đạt 167cm và 157cm đối với nữ. Về thể lực, đặc biệt là sức bền, sức mạnh phấn đấu thu hẹp khoảng cách so với các nước phát triển ở châu Á.

Vì tính cấp thiết của Đề án, tháng 10 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân đã chủ trì họp với các Bộ, ngành về Đề án này. Phó Thủ tướng đã giao Bộ VH-TT&DL tiếp tục chủ trì phối hợp với các Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư… bổ sung nghiên cứu và hoàn thiện các nội dung đặt ra. Đề án cần xây dựng thêm phần chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ có thai và trẻ dưới 5 tuổi, bởi đây là cái gốc quan trọng trong việc hình thành nên thể lực và thể hình của trẻ.

Bộ Y tế được giao chủ trì xây dựng nội dung này. Về vấn đề giáo dục thể chất và thể thao, trục chính trong việc thực hiện Đề án phải thông qua nhà trường nhưng ngành Thể thao phải chủ trì về phương pháp thực hiện. Ngoài ra, để thúc đẩy các hoạt động thể thao của thanh niên ngoài nhà trường cần có nhiều trung tâm thể thao. Về công tác tuyên truyền, cần kết hợp các biện pháp truyền thông trực tiếp thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia, hệ thống của ngành văn hóa, giáo dục, y tế, TDTT và các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội. Về công tác tổ chức thực hiện, Phó Thủ tướng đề nghị thành lập Ban điều phối Quốc gia và Bộ VH-TT&DL là cơ quan thường trực.

Để cải thiện tầm vóc và thể lực của người Việt Nam, ngoài những chính sách vĩ mô về phát triển kinh tế và công tác kế hoạch hóa gia đình, thì điều quan trọng là phải rèn luyện thể lực bằng các môn thể thao phát triển chiều cao và có chế độ dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ chất để con người phát triển. Chiều cao trước hết quyết định bởi gen di truyền. Nhưng khi chế độ ăn uống và luyện tập TDTT của người Việt Nam càng được quan tâm, cộng với những chương trình đồng bộ mang tính quốc gia thì chiều cao của người Việt Nam sẽ ngày càng được cải thiện.

Chiều cao người Việt Nam tiếp tục tăng

Hiện nay chúng ta không thể khẳng định chiều cao giới hạn của người Việt Nam sẽ là bao nhiêu, vì điều đó còn phụ thuộc cả vào di truyền, nhưng khi chế độ dinh dưỡng và mức sống được cải thiện, chắc chắn chiều cao của người Việt Nam sẽ tiếp tục tăng dọc theo thế kỷ 21 thông qua nhiều thế hệ. Gần đây, đã có không ít các công trình phân tích khuynh hướng thế tục và tăng trưởng, nhân trắc thể lực ở người Việt Nam cả ở trẻ em và người lớn từ thời kỳ đổi mới đến nay, kết quả cho thấy các biểu hiện gia tăng về tầm vóc thể lực chiều cao người Việt Nam có khuynh hướng gia tăng, nhưng chưa thực sự vượt trội.

Tuy nhiên chúng ta không nên chỉ dừng lại ở các chỉ số mà cần có cả một chiến lược lâu dài nhằm cải thiện chất lượng nòi giống; kiên trì thực hiện đồng bộ các biện pháp can thiệp và giám sát dinh dưỡng thông qua ứng dụng chuẩn mới về tăng trưởng của WHO để tăng thể chất và chiều cao cho người Việt Nam. Trong đó việc giảm suy dinh dưỡng thể thấp còi sẽ trở thành mục tiêu quan trọng nhất, đi song song và tiến tới sự gia tăng tăng trưởng của con người hiện đại.

Bà Đỗ Thanh Nga (Hiệu trưởng trường Mầm non tư thục chất lượng cao Giang Sơn)

Hòa vào chiến lược chung của quốc gia

Dân số thế giới không chỉ tính theo chỉ số, độ tuổi mà phải đảm bảo cả các số liệu phát triển. Chính vì vậy rất cần một chiến lược dân số ngay từ đầu, không chỉ quan tâm riêng về thể chất, chiều cao mà cả chất lượng tinh thần sống. Và chiến lược này phải hòa vào chiến lược chung của quốc gia mới có thể phát triển hiệu quả.

Theo quan điểm của cá nhân tôi, chúng ta nên tập trung vào một số điểm quan trọng mang tính mũi nhọn như sau: Thứ nhất là chú ý đến chất lượng dinh dưỡng; tập thói quen uống sữa cho cả trẻ em lẫn người lớn. Thứ hai là chúng ta có Luật Hôn nhân và Gia đình nhưng chưa được thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Đó là kiểm tra sức khỏe trước hôn nhân; khuyến khích trẻ bú sữa mẹ từ 6 tháng đến 1 năm, tối ưu là 2 năm. Thứ ba là chúng ta nên nghiên cứu lại các cách và bài tập thể dục cho học sinh các cấp. Dường như các tiết học thể dục của học sinh hiện nay mang tính đối phó, mục đích co giãn cơ bắp là chính, trong khi chúng ta có thể mời các chuyên gia để nghiên cứu các bài tập nhằm phát triển chiều cao, nâng cao thể chất cho các em. Thứ tư là chúng ta nên có lộ trình đế phát triển thể thao học đường. Có lẽ kết quả phải sau 10, 15 năm nữa mới thấy được nhưng cần làm, bắt đầu ngay từ thế hệ bây giờ.

Ông Trần Ban Hùng (Trưởng ban Chương trình Bảo vệ Trẻ em,Tổ chức  Cứu trợ trẻ em - Save the Children)

Di truyền + Dinh dưỡng + Luyện tập

Người Việt Nam, cho dù tầm vóc đã được cải thiện nhưng do phát triển tự nhiên, không phải nhờ tác động mang tính chủ định. Thực tế rõ rệt nhất chúng ta không chỉ về chiều cao, cân nặng mà cả về tố chất thể lực, đặc biệt về sức bền và sức mạnh. Điều đó được minh chứng tại bao cuộc tranh tài thể thao trong khu vực và đấu trường quốc tế, VĐV Việt Nam không thua về chuyên môn nhưng thường thua kém đối phương về thể lực, chiều cao, sức bền, sức mạnh...

Theo tôi, chúng ta nên triển khai chương trình nâng cao thể chất một cách đồng bộ, có trọng điểm. Để việc phát triển tầm vóc và tố chất thể lực thuận lợi nhất, nên tập trung vào lứa tuổi THCS và lứa tuổi đầu của THPT. Phương pháp nên dựa trên kết luận của GS.TS Aiyoshi người Nhật Bản: Ngoài yếu tố di truyền, mức độ ảnh hưởng lớn nhất đối với phát triển chiều cao lại chính là dinh dưỡng (31%) và luyện tập (20%).

Bà Hứa Văn Kim (Nguyên giáo viên trường Tiểu học Điện Biên, Hà Nội)

Đầu tư môn thể dục để nâng tầm vóc

Nhiều công trình khoa học cho thấy giáo dục thể chất góp phần tạo dựng cơ sở cho sự phát triển cơ thể toàn diện, hoàn thiện hình thái hình thể, tư thế, sức khỏe và hình thành các kỹ năng vận động. Học sinh THCS, THPT phát triển tố chất nhanh, mạnh qua các vận động tích cực hàng ngày với các môn mang tính đại chúng và có hiệu quả giáo dục cao như chạy, nhảy cao, nhảy xa, bơi, đá cầu, cầu lông, bóng chuyền, bóng rổ, bóng đá... Theo cá nhân tôi, sức trẻ bật lên không chỉ do lứa tuổi mà còn phản ánh rõ một lối sống khỏe mạnh, được rèn luyện TDTT thường xuyên. Tập luyện và ăn uống đúng cách là phương pháp giúp khỏe mạnh và tăng chiều cao hữu hiệu. Chế độ dinh dưỡng phải được kết hợp đầy đủ các nhóm thức ăn, hạn chế các loại thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ. Quan trọng nhất là nguồn canxi phải được cung cấp đầy đủ. Chúng ta cần tập thói quen uống sữa, dùng loại thức uống lúa mạch hàng ngày, hay trong các buổi tập luyện để tăng sức bền. Những năm gần đây, tầm quan trọng của thể thao đang ngày càng được đề cao trong các trường học. Ngoài những trường chuyên biệt đào tạo TDTT, hiện nay đa số các trường đều xây dựng những đội thể thao cơ bản như bóng rổ, bóng đá, cầu lông, bơi lội… Đây là tín hiệu đáng mừng, là kết quả của việc nhận thức được ích lợi của thể thao học đường trong việc phát triển thể lực và tầm vóc thế hệ trẻ Việt Nam.

Anh Hoàng Đức Nam (VĐV bơi lặn)

Việt Cường - Quân.Trần (Thực hiện)