Nâng giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân, mức nào là hợp lý?

ANTD.VN - Bộ Tài chính vừa có công văn xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân về mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (TNCN), trong đó đề xuất nâng mức giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng; người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng/tháng lên 4,4 triệu đồng/tháng. Mức giảm trừ này đang nhận được nhiều luồng dư luận trái chiều.

Nâng giảm trừ gia cảnh thuế thu nhập cá nhân, mức nào là hợp lý? ảnh 1

Vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh mức đề xuất điều chỉnh giảm trừ gia cảnh thuế TNCN của Bộ Tài chính

Yêu cầu cấp thiết

Theo đó, phương án Bộ Tài chính đưa ra là mức giảm trừ gia cảnh sẽ được tăng tương ứng mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Cụ thể, chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng  12-2019 so với thời điểm 1-7-2013 (thời điểm Luật Thuế thu nhập cá nhân sửa đổi - Luật số 26/2012/QH12 chính thức có hiệu lực thi hành) là 123,2%, tăng 23,2%.

Tương ứng, mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế sẽ lên mức 11 triệu đồng/tháng (1,232 x 9 triệu đồng = 11,088 triệu đồng, làm tròn 11 triệu đồng); mức giảm trừ tương ứng cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng (1,232 x 3,6 triệu đồng = 4,4352 triệu đồng, làm tròn 4,4 triệu đồng). Theo Bộ Tài chính, việc điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh sẽ có hiệu ứng tích cực, do giảm nghĩa vụ thuế TNCN hay gia tăng thu nhập khả dụng (thu nhập sau khi nộp thuế) của các cá nhân, từ đó kích thích tăng mức chi tiêu hộ gia đình, tăng tiêu dùng của xã hội, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…

Tuy nhiên, đối với ngân sách Nhà nước, nếu áp dụng mức giảm trừ theo mức dự kiến nêu trên thì một phần lớn số người nộp thuế ở bậc 1 sẽ chuyển sang diện không phải nộp thuế, tương tự những người nộp thuế ở các bậc thuế còn lại đều được giảm số thuế phải nộp, qua đó dự kiến giảm thu ngân sách 1 năm khoảng 10.300 tỷ đồng (tương đương giảm khoảng 13% số thu ngân sách từ thuế TNCN năm 2019). Có thể thấy việc nâng mức giảm trừ gia cảnh là hoàn toàn hợp lý bởi mức giảm trừ gia cảnh hiện nay đã được duy trì trong hơn 6 năm qua và đã lỗi thời so với mặt bằng giá cả hiện nay. 

Theo GS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), Điều 19 Luật thuế Thu nhập cá nhân đã quy định, khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) biến động trên 20% so với thời điểm Luật có hiệu lực thi hành hoặc thời điểm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh gần nhất thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh phù hợp với biến động của giá cả để áp dụng cho kỳ tính thuế tiếp theo. Trên cơ sở tính toán của Tổng cục Thống kê cung cấp, chỉ số CPI tại thời điểm cuối tháng 12-2019 so với thời điểm 1-7-2013 là 123,2%, tăng 23,2%. Như vậy, đề xuất này đúng luật và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện tại.

Ngoài ra, theo các chuyên gia, cùng với chỉ số CPI đã tăng quá 20% theo quy định thì lương cơ sở cũng đã tăng gần 30% kể từ năm 2013 đến nay, từ mức 1,15 triệu đồng/tháng tăng lên 1,49 triệu đồng/tháng và theo dự kiến sẽ được tăng tiếp lên 1,6 triệu đồng/tháng từ 1-7 tới. Thu nhập bình quân đầu người cũng tăng mạnh trong thời gian này. Chỉ tính riêng giai đoạn 2013-2018 thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng tới 42%, từ mức mức 41,1 triệu đồng (1.960 USD) lên 58,5 triệu đồng (2.587 USD). Dự kiến đến hết năm 2019, con số này còn cao hơn nữa. Do vậy việc điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN lần này là yêu cầu cấp thiết.

Liệu có “cào bằng”?

Cũng theo PGS.TS Lê Xuân Trường, đề xuất tăng mức giảm trừ gia cảnh của Bộ Tài chính từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng với bản thân người nộp thuế, từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng với người phụ thuộc là hợp lý, góp phần giảm bớt khó khăn cho người nộp thuế trong bối cảnh giá cả, lạm phát tăng so với thời điểm năm 2013. Thậm chí, vị chuyên gia còn cho rằng mức giảm trừ này còn đã “dự trù cho tương lai”. Cụ thể, PGS.TS Lê Xuân Trường cho rằng, mức giảm trừ gia cảnh mới này phản ánh đúng bản chất của giảm trừ gia cảnh là để đảm bảo sau khi nộp thuế, người nộp thuế có thu nhập để trang trải cuộc sống ở mức trung bình của xã hội. 

Theo đó, mức giảm trừ bản thân người nộp thuế bằng khoảng 2,1 lần thu nhập bình quân đầu người. Mức này đảm bảo dự trù cho tương lai khi giá cả biến động và thu nhập tăng lên thì vẫn đảm bảo giảm trừ bản thân nộp thuế bằng hoặc cao hơn thu nhập bình quân đầu người. Theo thông lệ các nước, mức giảm trừ bản thân người nộp thuế thường bằng khoảng 0,6 đến 1,5 lần thu nhập bình quân đầu người.

Cũng theo vị chuyên gia, mức nâng giảm trừ tương ứng với chỉ số CPI thời gian qua không có nghĩa là nâng giảm trừ bù đắp lại phần trượt giá cho thời gian đã qua mà đây là mức nâng để phù hợp cho thời gian sắp tới. “Cần lưu ý rằng, lần điều chỉnh gần nhất áp dụng từ  1-7-2013, mức giảm trừ bản thân người nộp thuế đã tăng từ 4 triệu đồng/tháng lên 9 triệu đồng/tháng. Mức điều chỉnh năm 2013 là để đảm bảo sự phù hợp giữa mức giảm trừ với thu nhập dân cư trong giai đoạn sau năm 2013. Nói cách khác, xét mức thu nhập hiện tại thì giảm trừ bản thân người nộp thuế 9 triệu đồng/tháng là phù hợp. Việc điều chỉnh lên 11 triệu đồng/tháng là để đảm bảo sự phù hợp cho những năm tới đây” - PGS.TS Lê Xuân Trường phân tích.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia khác thì mức đề xuất của Bộ Tài chính là lạc hậu. PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) chỉ ra một số vấn đề: Thứ nhất là thời điểm đề xuất là cuối tháng 2-2020, trong khi cuối tháng 12-2019, CPI đã tăng hơn 23%. Dù mức giảm trừ gia cảnh mới được áp dụng cho kỳ tính thuế của năm nay, nhưng hàng tháng đơn vị chi trả thu nhập vẫn tạm khấu trừ thu nhập của người nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo mức hiện hành.

Điều này sẽ gây thiệt thòi cho người lao động, vì phải đợi đến tháng 3 năm sau mới được hoàn lại tiền thuế. Ngoài ra, phương án tính mức giảm trừ gia cảnh cũng được cho là không phù hợp nếu chỉ căn cứ vào biến động CPI. Mà cùng với đó còn phải căn cứ vào biến động của xu hướng tiêu dùng khi mọi chi tiêu, sinh hoạt, nhu cầu vật chất, tinh thần của người dân đều có xu hướng phát triển hơn.

“Chẳng hạn trước kia các bạn không cần son phấn, bây giờ thì phải có son phấn. Hay người ta cũng phải đi du lịch, thưởng thức âm nhạc, văn hóa…” - chuyên gia Ngô Trí Long nói. Cùng với đó, vị chuyên gia cũng chỉ ra bất cập trong việc xác định một mức giảm trừ gia cảnh đối với tất cả mọi người, cho đây là hình thức “cào bằng”. “Theo tôi thì không nên cào bằng. Thí dụ ở Singapore, họ chia thành từng khu vực để áp dụng mức giảm trừ khác nhau. Ở các thành phố lớn mức tiêu dùng sinh hoạt cao hơn thì mức giảm trừ theo tôi cũng cần phải cao hơn” - ông Long đề xuất.

Ngoài ra, vị chuyên gia cũng cho rằng việc giảm trừ gia cảnh thuế TNCN còn một số bất cập khác như quy định người nhà có thu nhập thường xuyên trên 1 triệu đồng trở lên không được tính là đối tượng phụ thuộc, do đó không được giảm trừ gia cảnh. Trong khi mức thu nhập 1 triệu đồng/tháng bây giờ là quá thấp, không thể đảm bảo chi tiêu cá nhân.

Trả lời báo chí về mức đề xuất giảm trừ gia cảnh thuế TNCN, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho rằng, mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế TNCN lên 11 triệu đồng/ tháng là “phù hợp với biến động giá cả” và tuân thủ Luật số 26/2012/QH12. Theo đó, việc giảm trừ gia cảnh phải tuân thủ theo Khoản 4 Điều 1 Luật số 26/2012/QH13. Trong quá trình tổ chức thực hiện quản lý thuế, Bộ Tài chính luôn chỉ đạo các đơn vị chức năng cập nhật chỉ số giá tiêu dùng theo số liệu Tổng cục Thống kê cung cấp, hết tháng 6-2019 tăng 18,17%, và đến hết tháng 12-2019 đã tăng 23,2%.