Nạn nhân "tín dụng đen" biết kêu ai?

ANTĐ - Tín dụng đen bủa vây, lộng hành khắp nơi. Những làng quê nghèo nhưng vốn yên bình trước đây nay thảng thốt, bàng hoàng vì hàng loạt gia đình tán gia bại sản, không còn đến “tấc đất cắm dùi”, thờ cúng tổ tiên vì trót mắc vào tín dụng đen. Nhưng đáng buồn, dường như người dân đang đơn độc trong trận chiến với cái “con ma tín dụng đen” đang há hốc mồm chực nuốt chửng họ bất cứ lúc nào. 

Nạn nhân "tín dụng đen" biết kêu ai? ảnh 1Minh họa: Internet

Câu chuyện gây xôn xao dư luận mới đây ở tỉnh Cà Mau là một ví dụ. Hàng chục nạn nhân bỗng dưng mất trắng nhà cửa sau khi vay tiền của một đối tượng trên địa bàn. Cụ thể, theo trình bày của một số nạn nhân, từ năm 2013 đến nay, nhiều người đã vay tiền của đối tượng tên Nguyễn Thị Bé Tám. Để được vay tiền, họ phải ra công chứng lập hợp đồng chuyển nhượng tài sản cho bà Tám.

Khi không còn khả năng trả nợ, họ bị bà Tám buộc phải giao tài sản là nhà và đất. Tương tự, không chỉ người nghèo mà nhiều người có tiền chỉ vì mua chịu phân bón, chơi hụi hay vay nợ đáo hạn ngân hàng…, nhưng với thủ đoạn ép họ ký vào hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với giá trị nhỏ hơn nhiều lần giá trị thật, sau vài tháng chưa trả được đã bị chủ nợ sang tên đổi chủ sổ đỏ. 

Trong khi những lá đơn của người dân gửi các cơ quan chức năng còn chưa được hồi đáp, thì chính đối tượng cho vay sau nhiều lần siết nợ không thành đã đâm đơn kiện nạn nhân với lý do đã mua đất của họ có lập hợp đồng hẳn hoi, thậm chí còn làm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Và thế là trước tòa, kẻ xấu với thủ đoạn tinh vi của mình, đã nghiễm nhiên đứng ở lẽ phải.

Phải đến khi các phương tiện thông tin đại chúng vào cuộc và dư luận lên tiếng mạnh mẽ, các cơ quan chức năng… mới biết, bởi theo lý giải của chính quyền các cấp thì trước đó họ chưa nhận được đơn khiếu nại nào của người dân. Sự việc bức xúc khiến Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã phải chỉ đạo tỉnh Cà Mau kiểm tra tình hình và xử lý nghiêm. Ngay lập tức lãnh đạo tỉnh cũng đã có những động thái vào cuộc. Sau nhiều tháng ngày khốn cùng thì những thông tin trên khiến nhiều người dân ở Cà Mau thêm hy vọng. 

Câu hỏi đặt ra rằng có hay không sự tiếp tay của nhiều cán bộ cho các đối tượng cho vay “tín dụng đen” để “bóp cổ” những người dân thiếu hiểu biết. Đa phần các vụ việc, hành vi lừa đảo thể hiện tương đối rõ khi nhu cầu vay tiền cấp bách, nhất thời của người dân đã bị người cho vay lợi dụng để thực hiện các thủ tục pháp lý không minh bạch, giả mạo giấy tờ nhằm chiếm đoạt tài sản có giá trị gấp nhiều lần khoản cho vay.

Vậy trong khi xét xử các vụ “kiện ngược” của đối tượng cho vay, các cán bộ tòa án không biết, hay biết mà vẫn xử cho xong. Rồi các cán bộ công chứng khi thực hiện thủ tục công chứng hàng chục hợp đồng mua - bán nhà cho cho một chủ chuyên hoạt động “tín dụng đen” và chuyển quyền sử dụng đất mà không cần sự có mặt của chủ nhà - liệu họ có đặt ra dấu hỏi? Thông thường ở các vùng nông thôn những vụ việc như thế này đâu “giấu trong bọc” được, chính quyền không biết hay thờ ơ với sự cùng quẫn của người dân? Nếu cơ quan công quyền nào cũng thế, thì nạn nhân “tín dụng đen” biết kêu ai?