Năm 2025: Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP

ANTD.VN - Dự thảo “Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030” xác định, đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm tỷ lệ ngày càng lớn trong nền kinh tế.

Việt Nam đẩy mạnh phát triển kinh tế số 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đang lấy ý kiến vào dự thảo Quyết định “Chiến lược quốc gia về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến năm 2030”.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, Việt Nam sẽ nâng cao chất lượng môi trường thể chế kinh doanh, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, ứng dụng khoa học, công nghệ; Nâng cao năng lực nghiên cứu, đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp và nền kinh tế, hướng tới làm chủ một số công nghệ quan trọng của CMCN 4.0.

Cụ thể, trụ cột năng lực đổi mới sáng tạo trong xếp hạng Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) thuộc nhóm 50 nước đứng đầu (nhóm 50);

Đạt tối thiểu 20% số doanh nghiệp ứng dụng ít nhất một trong các công nghệ của CMCN 4.0. Trong các ngành ưu tiên, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng ít nhất một trong các công nghệ của CMCN 4.0 đạt tối thiểu 30%.

Dự thảo cũng đặt ra mục tiêu, đến năm 2025, kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm.

Tổng đầu tư xã hội cho nghiên cứu và phát triển (R&D) đạt ít nhất 1,5% GDP; Phát triển lực lượng lao động chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển, đặc biệt là đáp ứng 90% nhu cầu của doanh nghiệp về lao động có kỹ năng cần thiết cho việc chuyển giao và ứng dụng các công nghệ của CMCN 4.0, nhất là kỹ năng công nghệ thông tin.

Đến năm 2025, Internet băng thông rộng phủ 100% các xã; 90% người dân sử dụng Internet; 100% các cơ quan quản lý Nhà nước hoàn thành chuyển đổi số và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, Việt Nam có ít nhất 3 đô thị thông minh tại 3 vùng kinh tế trọng điểm (Bắc, Trung, Nam).

Đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7,5%/năm. Tổng đầu tư xã hội cho nghiên cứu và phát triển (R&D) đạt ít nhất 2% GDP.

Bộ KH-ĐT nhận định, CMCN 4.0 là một cơ hội rất lớn để một quốc gia vươn lên trình độ phát triển cao hơn.

Theo tính toán của Công ty tư vấn Boston Consulting Group (BCG), nếu tận dụng được CMCN 4.0 có thể đem lại lợi ích đáng kể cho nền kinh tế Việt Nam. Cụ thể, đến năm 2030, GDP của nước ta có thể tăng thêm từ 28,5 - 62,1 tỷ USD, tùy theo mức độ ứng dụng công nghệ của doanh nghiệp, tương đương với mức tăng thêm từ 7-16% GDP (so với kịch bản không tham gia CMCN 4.0).

CMCN 4.0 sẽ làm tăng ròng từ 1,3 - 3,1 triệu việc làm, mặc dù có thể làm thay đổi cấu trúc việc làm trong nền kinh tế. Đến năm 2030, năng suất lao động tính bằng GDP/lao động sẽ tăng thêm từ 315 - 640 USD.