Năm 2020: Việt Nam cần rất nhiều nỗ lực để đạt được các mục tiêu kinh tế

ANTD.VN - Theo các chuyên gia, Việt Nam sẽ cần rất nhiều nỗ lực để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,8% và lạm phát dưới 4% do những bất ổn chính trị trên thế giới sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế trong nước.

PGS. TS Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng VEPR cho rằng con số tăng trưởng 6,8% mà Chính phủ đặt ra cho năm 2020 là “con số lạc quan, tham vọng và không dễ thực hiện.

Trong đó, việc đối xử với các quốc gia trong thương mại quốc tế là vấn đề Việt Nam sẽ phải đối mặt. Dẫn ra việc Trung Quốc trở thành thị trường nhập khẩu lớn trong khi Mỹ là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, ông Thành cảnh báo Việt Nam nên thận trọng để không trở thành “sân sau” của Trung Quốc và Hàn Quốc để xuất khẩu sang Mỹ. Trong đó, trường hợp thép bị đánh thuế đến hơn 400% trong năm 2019 là một ví dụ, đặt ra các vấn đề về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa Việt Nam.

Việt Nam sẽ cần nhiều nỗ lực để đạt được các mục tiêu kinh tế đã đặt ra

Còn TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, trong năm 2019, Việt Nam là 1 trong 7 đối tác xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ, cùng với lượng dự trữ ngoại hối tăng tới hơn 71 tỷ USD đã khiến Việt Nam được đưa vào danh sách theo dõi thao túng tiền tệ của Mỹ. Vì thế, theo TS. Võ Trí Thành,  Ngân hàng Nhà nước cần cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, linh hoạt và khách quan.

Về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, Việt Nam vẫn nên tiếp tục thực hiện dự trữ ngoại hối nhưng không phải 1 chiều mà theo hướng có mua, có bán, không can thiệp liên tục trong 6/12 tháng.

Đồng thời, không nên dùng công cụ tỷ giá để làm tăng ngoại thương, bởi nếu Việt Nam chủ ý phá giá tiền tệ để thúc đẩy xuất khẩu thì sẽ bị Mỹ xếp vào danh sách thao túng tiền tệ.

TS. Cấn Văn Lực cũng nêu thách thức về cải cách thể chế, nhất là thể chế cho kinh tế số vẫn còn chậm. Những nghị định cho mô hình kinh doanh mới như fintech, cho vay ngang hàng vẫn chưa có. Vị chuyên gia cho rằng việc điều chỉnh chậm về thể chế sẽ làm mất cơ hội trong nền kinh tế số.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương:

Năm 2020: Việt Nam cần rất nhiều nỗ lực để đạt được các mục tiêu kinh tế ảnh 2

Vấn đề là chính sách, chiến lược, cơ chế phản ứng nhanh

Năm 2019, trong Nghị quyết 01 có từ “bứt phá”. Nếu xét theo từ này, thì chúng ta chưa đạt. Vấn đề tăng trưởng bền vững trở nên nhức nhối, câu chuyện không chỉ là đo độ ô nhiễm mà còn là chính sách, chiến lược, cơ chế phản ứng nhanh, kể cả về mặt truyền thông.

Nếu nói về bứt phá cải cách, môi trường kinh doanh còn xa so với yêu cầu. Thoái vốn, cổ phần hóa rất chậm. Đổi mới sáng tạo còn nhiều vấn đề.

Điểm sáng kinh tế Việt Nam năm 2019 đến từ ngành ngân hàng khi từng bước đạt chuẩn Basel 2, xử lý nợ xấu có nhiều bước tiến rõ rệt.

Chuyên gia tài chính,TS Nguyễn Trí Hiếu:

Năm 2020: Việt Nam cần rất nhiều nỗ lực để đạt được các mục tiêu kinh tế ảnh 3

Con đường tiến lên nhóm thu nhập trung bình cao còn dài

Theo cách tính cũ của IMF, quy mô GDP Việt Nam chỉ đứng thứ 146/211 quốc gia. Trong khối ASEAN, chúng ta đứng dưới Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines...

Còn GDP bình quân đầu người của Việt Nam là 2.698 USD, một con số rất thấp trên thế giới và khu vực. Con số tăng trưởng GDP hơn 7%, quy mô GDP hơn 300 tỷ USD đều tốt cả, nhưng với riêng mỗi cá nhân người Việt Nam, chúng ta vẫn ở trong nhóm thu nhập trung bình thấp. Muốn tiến lên nhóm thu nhập trung bình cao, con đường của Việt Nam còn dài, chúng ta vẫn ở trong bẫy thu nhập trung bình.

Một vấn đề khác là xếp hạng tín nhiệm Việt Nam theo đánh giá của Moody’s, Fitch, Standard & Poors vẫn ở mức non-investment grade speculative – không ở nhóm nên/khuyến khích đầu tư, thị trường Việt Nam vẫn mang tính đầu cơ, rủi ro cao. Điều này có nghĩa trong tương lai, nếu Việt Nam không thay đổi, xếp hạng của chúng ta sẽ tiếp tục bị giảm.

Điểm tín nhiệm thấp như vậy sẽ khiến các thành phần kinh tế, trong đó có khối ngân hàng khó đạt được mức điểm cao hơn điểm tín nhiệm quốc gia. Chính vì vậy, các nhà đầu tư nước ngoài sẽ xem xét, đánh giá nhiều hơn trước khi quyết định đầu tư vào Việt Nam.