Năm 2019, giá điện sẽ tăng?

ANTD.VN - Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, mặc dù tình hình thủy văn 2017 tác động làm giảm chi phí sản xuất kinh doanh điện, song vẫn còn nhiều yếu tố làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh điện.

Giá điện sẽ tăng trong năm 2019?

Theo ông Đinh Quang Tri- Phó Tổng giám đốc EVN, một số yếu làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh điện nhưng chưa được tính vào giá điện có thể kể đến là: giá than năm 2017 tăng bình quân khoảng 5,7% so với năm 2016; Giá dầu DO, FO bình quân năm 2017 tăng lần lượt 21,95% và 32,84% so với năm 2016. Giá dầu HSFO thế giới năm 2017 tăng 39,2%.

Bên cạnh đó, khoản treo do chênh lệch tỷ giá dự kiến phân bổ vào năm 2018 là 754 tỷ đồng.

“Năm 2019 sẽ tiếp tục phát sinh khoản chênh lệch tỷ giá từ năm 2018, cấp quyền khai thác nước… thì các khoản này được tính vào giá thành sản xuất kinh doanh điện 2019”- đại diện EVN cho biết.

Đáng chú ý, trong khi nhiệt điện than vẫn còn chiếm tỷ lệ lớn trong cơ cấu nguồn điện thì EVN vừa nhận được chào giá than của Tập đoàn Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) dự kiến tăng 5% từ ngày 5-12. Nguồn năng lượng tái tạo còn hạn chế và giá thành cao.

Theo tính toán của ngành điện, dự kiến năm 2019, nguồn thủy điện sẽ hụt khoảng 3,8 tỷ kWh do thủy văn không thuận lợi. Do đó, áp lực tăng giá điện rất lớn.

Tuy nhiên, đại diện EVN không thông tin chi tiết về kế hoạch tăng giá điện trong năm 2019.

Quyết định số 24 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, dựa trên kế hoạch cung cấp điện năm 2019 của Bộ Công Thương, EVN sẽ xây dựng phương án điều hành giá.

Nếu các chi phí đầu vào tăng từ 3% trở lên thì mới được phép điều chỉnh giá điện. Chi phí đầu vào tăng từ 3-5%, EVN được quyền quyết định và báo cáo Bộ Công Thương.

Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán cao hơn giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ngoài khung giá hoặc ảnh hưởng đến tình hình kinh tế vĩ mô, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho ý kiến mức điều chỉnh giá bán điện bình quân. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá trước khi báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Thời gian điều chỉnh giá bán điện bình quân tối thiểu là 6 tháng kể từ lần điều chỉnh giá điện gần nhất.

“Lần tăng giá gần đây nhất là vào tháng 12-2017. Thời gian tới, sau khi xây dựng, báo cáo đánh giá, nếu tính toán giá chi phí tăng 3% trở lên thì sẽ chọn thời điểm cho phù  hợp”- ông Đinh Quang Tri nói.