Muốn kinh doanh trở lại, phải nộp hết số nợ thuế đã được xóa

ANTD.VN - Nếu người nộp thuế quay lại kinh doanh thì trước khi quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới, người nộp thuế phải hoàn trả cho Nhà nước khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xóa.

Đây là một trong những biện pháp mà cơ quan quản lý đưa ra nhằm hạn chế tình trạng lợi dụng chính sách xóa nợ thuế để trục lợi.

Bốn trường hợp được xóa nợ thuế

Tổng cục Thuế vừa có thông tin về các quy định về việc xóa nợ thuế trong Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Theo đó, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 13/6/219 quy định cụ thể các trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Các trường hợp này bao gồm: Thứ nhất là doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Thứ hai, cá nhân đã chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm cả tài sản được thừa kế để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ.

Thứ ba, các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không còn khả năng thu hồi.

Thứ tư là tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với các trường hợp bị ảnh hưởng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh có phạm vi rộng đã được xem xét miễn tiền chậm nộp và đã được gia hạn nộp thuế mà vẫn còn thiệt hại, không có khả năng phục hồi được sản xuất, kinh doanh và không có khả năng nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.

Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tính đến tháng 5, tổng số tiền thuế nợ là hơn 84,6 nghìn tỷ đồng. Trong đó, tiền thuế nợ có khả năng thu là 46,4 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 54,9% tổng số tiền thuế nợ. Trong khi đó, số nợ không còn khả năng thu cũng lên tới 38,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 45,1%.

“Quy định nêu trên cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Việc xóa nợ không còn khả năng thu vào ngân sách, giảm chi phí cho nhà nước, không mất chi phí, vật lực, nhân lực tham gia theo dõi, quản lý những khoản nợ không còn đối tượng để thu, giúp cơ quan Thuế, Hải quan có điều kiện tập trung nguồn lực vào việc quản lý và đôn đốc các khoản nợ có khả năng thu, tăng cường hiệu lực và hiệu quả trong quản lý thuế, chống thất thu, tăng thu cho ngân sách” – Tổng cục Thuế cho biết.

Cơ chế chặt chẽ để chống trục lợi

Tuy nhiên, theo Tổng cục Thuế, để đảm bảo chặt chẽ trong việc thực hiện xóa nợ đọng thuế, tránh lợi dụng thất thu ngân sách nhà nước (NSNN) thì Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã quy định trách nhiệm của người nộp thuế đã được xóa nợ.

Theo đó, nếu người nộp thuế quay lại kinh doanh thì trước khi quay lại sản xuất, kinh doanh hoặc thành lập cơ sở sản xuất, kinh doanh mới, người nộp thuế phải hoàn trả cho Nhà nước khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xoá.

Số nợ thuế không có khả năng thu hồi ngày càng tăng do tiền phạt chậm nộp

“Cơ quan quản lý thuế và cơ quan đăng ký kinh doanh, chính quyền địa phương có trách nhiệm bảo đảm các khoản tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đã được xóa phải được hoàn trả vào NSNN trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” – Tổng cục Thuế nêu nõ.

Cũng theo cơ quan quản lý, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 cũng đã quy định trình tự thủ tục, hồ sơ, thẩm quyền xóa nợ thuế khá chặt chẽ, phải thực hiện qua nhiều cấp, nhiều khâu, từ cấp Chi cục Thuế/Cục Thuế là cơ quan thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế đến UBND cấp tỉnh, thành phố, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời việc xóa nợ thuế cũng được lấy ý kiến của các cơ quan, ban ngành, qua nhiều bộ phận có liên quan và công khai lên trên các phương tiện thông tin đại chúng, chịu sự giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ của người dân, doanh nghiệp, HĐND các cấp, cơ quan Kiểm toán nhà nước, UBMTQ Việt Nam và Quốc hội.

Hàng năm, Chủ tịch UBND cấp tỉnh phải báo cáo tình hình và kết quả xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt cho HĐND cùng cấp vào kỳ họp đầu năm. Bộ trưởng Bộ Tài chính phải tổng hợp tình hình xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt để Chính phủ báo cáo Quốc hội khi quyết toán NSNN.

Hiện nay, Tổng cục Thuế đang dự thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế sửa đổi, trong đó hướng dẫn cụ thể quy trình thực hiện theo các bước, các tiêu chí.

“Đối với các trường hợp chây ỳ, không nộp tiền thuế, tẩu tán tài sản, cố tình chiếm đoạt tiền thuế của nhà nước, Tổng cục Thuế sẽ xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật để thu hồi tiền thuế vào NSNN” – cơ quan quản lý khẳng định.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đang xây dựng và hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế đã phá sản, giải thể, không còn sản xuất kinh doanh và không còn khả năng nộp NSNN.

"Triển khai các văn bản quy phạm pháp luật trên, việc xóa nợ thuế không còn khả năng thu hồi là rất chặt chẽ, công khai minh bạch và phù hợp với thông lệ quốc tế. Những trường hợp cố tình trốn thuế, cơ quan thuế sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật" - Tổng cục Thuế khẳng định.