Mua phải hàng kém chất lượng, người tiêu dùng vẫn ngại lên tiếng

ANTĐ - Hội thảo “Quyền người tiêu dùng Việt Nam, các vấn đề và giải pháp” diễn ra ngày 12-3 đưa ra kết quả khảo sát, chỉ có 2-3% số người được hỏi khiếu nại khi bị xâm hại quyền lợi. 

Mua phải hàng kém chất lượng, người tiêu dùng vẫn ngại lên tiếng ảnh 1Cung cấp cho người tiêu dùng đầy đủ thông tin về sản phẩm, dịch vụ

Không cần khiếu nại?

Từ tháng 1-2015 đến 20-2-2015, Viện Nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) đã khảo sát 1.200 người tiêu dùng về các vấn đề liên quan đến bảo vệ quyền lợi khi bị xâm hại. Kết quả cho thấy, chỉ 2-3% người được hỏi có sử dụng cơ chế khiếu nại để đòi quyền lợi.

Trong khi đó, có tới 90% không biết đến bất kỳ cơ quan, hiệp hội, tổ chức bảo vệ người tiêu dùng nào. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã có hiệu lực từ năm 2011 nhưng tại sao lại có tình trạng này? Ông Lê Quang Bình - Viện trưởng iSEE cho rằng: “Có một số nguyên nhân quan trọng khiến người tiêu dùng không khiếu nại, bao gồm: sợ mất thời gian, không tin tưởng vào cơ chế khiếu kiện, khiếu nại sẵn có và đặc biệt họ cảm thấy đơn độc, không có ai đứng về phía mình”. Thêm vào đó, trong tỷ lệ rất nhỏ người khiếu nại, có tới 70% không hài lòng với kết quả thu được. Vì vậy, mặc dù rất bức xúc khi mua phải hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, giá cao nhưng không có nhiều người chủ động đứng ra bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Kết quả khảo sát của iSEE cũng cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam không có cảm giác được là “thượng đế” khi mua sắm khi có tới 27,7% người được hỏi cho rằng mình bị đối xử không tốt hoặc rất không tốt. Trong khi lại có 46% người dân mua phải hàng kém chất lượng hoặc thiếu số lượng so với quảng cáo; 40% mua phải hàng không có xuất xứ rõ ràng và khoảng 30% mua phải hàng hết hạn, ôi hỏng, hàng giả… 

Theo đại diện Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng (Vinastas), ngoài những khiếu nại thường thấy liên quan đến hàng hóa, dịch vụ, gần đây, Vinastas còn nhận được khiếu nại liên quan đến các doanh nghiệp Nhà nước cung cấp điện, nước sạch, dịch vụ chuyển phát, dịch vụ viễn thông… “Những vụ việc này không dễ giải quyết, nhiều khi thiếu cơ sở pháp lý nên người tiêu dùng không thỏa mãn”- đại diện Vinastas cho hay.

Thủ tục khiếu nại phải đơn giản hơn

Đây là yêu cầu bức thiết đặt ra khi tỷ lệ người bị xâm hại quyền lợi tại Việt Nam còn lớn. Ông Lê Quang Bình khuyến nghị: “Các cơ quan Nhà nước cần được nhắc nhở để thực hiện trách nhiệm bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn, bao gồm việc cung cấp thông tin đầy đủ về quyền người tiêu dùng, các cơ chế bảo vệ người tiêu dùng sẵn có, đơn giản hóa thủ tục khiếu kiện và tạo điều kiện thuận lợi để người tiêu dùng tự tổ chức lại với nhau bảo vệ quyền của mình, tránh đơn độc”.

Chia sẻ kinh nghiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Ấn Độ, bà Phạm Quế Anh - Giám đốc tổ chức tín thác và đoàn kết vì người tiêu dùng (CUTS) cho biết, thủ tục khiếu kiện tại nước này rất đơn giản. Người bị xâm hại quyền lợi chỉ cần đến các tổ chức bảo vệ quyền lợi gần nhất để phản ánh. “Nếu không biết chữ, chỉ cần họ kể lại câu chuyện, nhân viên của các tổ chức sẽ ghi chép lại giúp. Nếu không có hóa đơn vì mua hàng ở chợ, người dân cũng được bảo vệ quyền lợi”- bà Phạm Quế Anh nói.

Để có thêm nhiều người tiêu dùng Việt Nam đứng lên bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, đại diện CUTS kiến nghị: “Không nên chỉ cho phép các cá nhân khởi kiện như quy định trong Luật mà cần trao quyền cho các hiệp hội được đại diện cho tập thể người tiêu dùng khởi kiện vì lợi ích công cộng. Đồng thời, các khoản đền bù thiệt hại cho người tiêu dùng không nên nộp vào ngân sách Nhà nước một cách chung chung như hiện nay, mà phải trả lại cho người tiêu dùng thông qua các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng do các tổ chức đại diện cho họ thực hiện”.