Một số khoản nợ xấu ngân hàng có xu hướng gia tăng

ANTD.VN - Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 3/2020 là 1,77%, giảm so với các năm trước nhưng lại tăng nhẹ so với con số cuối năm 2019 là 1,63%.

Tính từ năm 2012 đến cuối tháng 3/2020, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được gần 1.077 nghìn tỷ đồng nợ xấu, trong đó riêng năm 2019 xử lý được 159,7 nghìn tỷ đồng và 3 tháng đầu năm 2020 xử lý được 26,94 nghìn tỷ đồng.   

Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng đến tháng 3/2020 ở mức 4,46%, giảm mạnh so với mức 10,08% cuối năm 2016, mức 7,36% cuối năm 2017 và mức 5,85% vào cuối năm 2018.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu ở một số khu vực có xu hướng gia tăng, như các khoản vay đóng tàu theo Nghị định 67, tín dụng BOT…

Cụ thể, đối với cho vay đóng tàu theo Nghị định 67, tính đến hết năm 2017 (thời điểm dừng thực hiện ký kết mới hợp đồng cho vay đóng mới, nâng cấp tàu), các ngân hàng đã ký hợp đồng tín dụng đối với ngư dân với tổng số tiền cam kết cho vay đạt trên 11.700 tỷ đồng. Dư nợ cho vay theo chương trình đến 31/12/2019 đạt 10.028 tỷ đồng.

Hiện nay, nợ xấu chương trình cho vay theo Nghị định 67 có xu hướng gia tăng, đặc biệt tăng mạnh từ cuối năm 2018  và đang ở mức cao (35,2%).

Ngân hàng Nhà nước cho biết, ngoài các nguyên nhân khách quan bất khả kháng dẫn đến ngư dân không trả được nợ vay thì có nhiều chủ tàu chây ỳ cố tình không trả nợ; năng lực khai thác của chủ tàu yếu kém; ngư trường khai thác không thuận lợi; phương tiện khai thác quá mới và hiện đại nên chủ tàu gặp nhiều khó khăn trong vận hành, kém hiệu quả…

Xử lý nợ xấu tại các ngân hàng có diễn biến tích cực, tuy nhiên nhiều khoản nợ xấu có xu hướng tăng

Đối với tín dụng BOT, Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, hiện nay, có khoảng 49 dự án BOT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 64.676 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ, tăng trích lập dự phòng.

Về xử lý nợ xấu được xác định  theo Nghị quyết 42, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, lũy kế từ 15/8/2017 đến cuối tháng 3/2020, cả hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 299,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42.

Trong đó, xử lý nợ xấu nội bảng (không bao gồm xử lý bằng sử dụng dự phòng rủi ro và bán nợ cho VAMC thông qua phát hành trái phiếu đặc biệt) là 169,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 56,5% tổng nợ xấu đã xử lý.

Xử lý các khoản nợ đang hạch toán ngoài bảng cân đối kế toán xác định theo Nghị quyết 42 là 65,3 nghìn tỷ đồng (chiếm 21,79% tổng nợ xấu đã xử lý); Xử lý các khoản nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 đã bán cho VAMC được thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt là 65,08 nghìn tỷ đồng (chiếm 21,7%).

Bên cạnh đó, đến thời điểm cuối tháng 3/2020, các tổ chức tín dụng đã sử dụng 154,58 nghìn tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng.

Riêng với VAMC, sau 7 năm đi vào hoạt động, từ năm 2013 đến 31/3/2020, đơn vị này đã thực hiện mua nợ của tổ chức tín dụng tổng số 335.620 tỷ đồng, tương ứng với dư nợ gốc nội bảng là 367.406 tỷ đồng.

Trong đó, mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt là 327.413 tỷ đồng (dư nợ xấu nội bảng 359.393 tỷ đồng); mua nợ xấu theo giá trị thị trường  là 8.207 tỷ đồng.

Lũy kế từ khi thành lập đến cuối tháng 3/2020, VAMC đã xử lý được 272.246 tỷ đồng dư nợ gốc của tổ chức tín dụng (tương đương số tiền mua nợ của VAMC là 225.236 tỷ đồng). Dư nợ gốc của tổ chức tín dụng còn lại phải xử lý là 95.160 tỷ đồng.