Môi trường kinh doanh ở Việt Nam ngày càng thuận lợi
(ANTĐ) - Tại Báo cáo "Môi trường kinh doanh 2011" do Ngân hàng Thế giới (WB) cùng Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) thực hiện và công bố thông qua Hội nghị Truyền hình toàn cầu hôm qua 4-11, Việt Nam đứng thứ 78 trong bảng xếp hạng về mức độ thuận lợi kinh doanh, tăng 10 bậc so với thứ hạng 88 của năm ngoái.
Cải thiện về cấp phép xây dựng được WB đánh giá cao |
Khảo sát tại các thành phố đông dân nhất tại 183 nền kinh tế thế giới của nhóm Ngân hàng Thế giới đánh giá, Việt Nam đứng thứ 4 trong nhóm 10 nền kinh tế có nhiều chính sách cải thiện nhất về mức thuận lợi của môi trường kinh doanh 2010. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn xếp sau Singapore (xếp số 1), Thái Lan (thứ 19) và Malaysia (thứ 21) nhưng cao hơn các nước Indonesia, Lào, Campuchia…
Các tác giả của báo cáo cho biết, chỉ số của Báo cáo môi trường kinh doanh 2011 không đo lường tất cả mọi khía cạnh của môi trường kinh doanh như: mức độ ổn định kinh tế vĩ mô, tham nhũng, trình độ người lao động ... mà tập trung vào các quy định liên quan đến vòng đời của một doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước. Các chỉ số cũng được xây dựng dựa trên việc sử dụng tình huống điển hình được chuẩn hóa, cũng như tính toán cho thành phố đông dân nhất của từng nước.
3 cải cách nổi bật của Việt Nam được WB đánh giá cao trong năm nay là cải cách quy định về thành lập doanh nghiệp, cấp giấy phép xây dựng và vay vốn tín dụng (thông tin tín dụng). Cụ thể, ở lĩnh vực thành lập doanh nghiệp, Việt Nam đã tạo thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp bằng cách áp dụng cơ chế một cửa kết hợp thủ tục chứng nhận đăng ký kinh doanh với đăng ký mã số thuế và bỏ quy định xin giấy phép khắc dấu.
Ở lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng được cải cách theo hướng thuận lợi hơn nhờ việc giảm lệ phí trước bạ nhà tới 50% và chuyển chứng nhận quyền sở hữu nhà cho Sở Tài nguyên và Môi trường. Việt Nam đã tăng 8 bậc về cấp phép xây dựng, từ thứ 70 trong Báo cáo môi trường kinh doanh 2010 lên thứ 62 trong báo cáo lần này. Trong lĩnh vực vay vốn tín dụng, Việt Nam đã cải thiện hệ thống thông tin tín dụng bằng cách cho phép người đi vay được kiểm tra báo cáo tín dụng và có thể chỉnh sửa nếu phát hiện sai sót.
Theo ông Ngô Hải Phan, Tổ phó Thường trực Tổ công tác chuyên trách cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nếu phân tích kỹ hơn các chỉ số thì Việt Nam còn có thể tiến bộ hơn nữa về thứ hạng. Trong lĩnh vực cấp phép xây dựng, Việt Nam đã có nhiều cải cách mạnh mẽ như tiến tới bỏ phí xây dựng và bỏ việc gia hạn giấy phép xây dựng. Qua đó sẽ góp phần giảm thủ tục hành chính và chi phí cho tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng công trình. Dự kiến mỗi năm sẽ giảm được 70 triệu USD chi phí cho các doanh nghiệp.
"Còn trong lĩnh vực vay vốn, Việt Nam cũng đề xuất bãi bỏ công chứng bắt buộc đối với hợp đồng thế chấp. Việc này dự kiến tiết kiệm được chi phí lên tới 130 triệu USD mỗi năm và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nhanh hơn với nguồn vốn. Thời gian tới, khi Đề án Cải cách thủ tục hành chính đi vào giai đoạn thực hiện chắc chắn sẽ giúp Việt Nam cải thiện rất nhiều về môi trường kinh doanh", ông Phan nói.
Hùng Anh