Mở khai báo xuất khẩu gạo 0h: Hải quan nói không dung túng nếu có việc cán bộ "phím" cho doanh nghiệp

ANTD.VN - Lãnh đạo Tổng cục Hải quan khẳng định sẽ báo cáo lên cấp trên để báo cáo với Thủ tướng, nếu có hiện tượng cán bộ hải quan "phím" cho doanh nghiệp việc khai báo hải quan xuất khẩu gạo thì sẽ giao cơ quan điều tra để điều tra, xem xét, xử lý nghiêm chứ không dung túng.

Nghi vấn có lợi ích nhóm

Như Báo An ninh Thủ đô đã đưa tin, từ ngày 24/3, hải quan dừng thông quan các lô hàng gạo xuất khẩu sau chỉ đạo của Thủ tướng để đảm bảo an ninh lương thực trong đại dịch. 

Tuy nhiên, nửa tháng sau, Chính phủ lại cho phép nối lại xuất khẩu gạo. Theo quyết định của Bộ Công Thương, hạn ngạch xuất khẩu gạo cho tháng 4 sẽ là 400.000 tấn, bắt đầu từ 0h ngày 11/4.

Để mở được tờ khai hải quan, nhiều doanh nghiệp gạo đã cắt cử nhân viên trực cả ngày, từ 0h ngày 11/4 (thứ Bảy), nhưng hệ thống của hải quan chưa mở. 

Thế nhưng bất ngờ, 0h ngày 12/4 (Chủ nhật), hệ thống khai báo của hải quan lại cho phép đăng ký mở tờ khai. Chỉ sau khoảng 3 tiếng, hệ thống đã thông báo đã đủ hạn ngạch xuất khẩu 400.000 tấn và đóng cửa.

Nhiều doanh nghiệp bức xúc cho rằng, việc hải quan mở cửa hệ thống khai báo vào nửa đêm của ngày nghỉ khiến họ không kịp "trở tay" để đăng ký. Trong số này có không ít doanh nghiệp còn đang tồn lượng gạo lớn tại các cảng do không kịp xuất khẩu trước ngày 24/3 (khi Việt Nam đột ngột dừng xuất khẩu gạo), dẫn đến phải mất thêm nhiều chi phí lưu kho bãi, lãi suất ngân hàng, phạt đền bù hợp đồng cho các đối tác nước ngoài...

Một số doanh nghiệp đặt vấn đề có hay không sự "bất minh", "lợi ích nhóm" trong việc mở cửa hệ thống khai báo của hải quan. Tại sao hệ thống này không mở cửa vào thời điểm quyết định của Bộ Công Thương có hiệu lực như thường lệ (0h ngày 11/4) mà phải đến 0h ngày 12/4 mới mở và khi mở lại không thông báo rộng rãi cho doanh nghiệp? Có hay không việc cán bộ hải quan "phím" cho một số doanh nghiệp lớn, dẫn đến có doanh nghiệp như Intimex đăng ký được tới 102 tờ khai với hơn 96.000 tấn, dẫn đến hết hạn ngạch của các doanh nghiệp khác.

"Sự kiện 0h" đang gây bức xúc trong các doanh nghiệp xuất khẩu gạo

Hải quan "kêu oan"

Trả lời phóng viên Báo An ninh Thủ đô về sự việc trên, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành khẳng định, hải quan không có "lợi ích nhóm" ở đây. "Nhiều doanh nghiệp cũng đặt vấn đề thế nọ thế kia nhưng khẳng định là hệ thống khai báo của hải quan khi đã đi vào hoạt động thì chúng tôi không thể can thiệp được, không có lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm nào ở đây" - ông Mai Xuân Thành nói.

Về thời điểm mở cửa hệ thống, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, từ trước đến nay, các doanh nghiệp đều biết hệ thống hoạt động 24/24. Các quyết định của các bộ ngành liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu mà gắn được mã HS thì đều được hệ thống cập nhật và kiểm soát từ 0h của ngày văn bản đó có hiệu lực. 

"Tuy nhiên, quyết định của Bộ Công Thương lần này lại có khác so với các quyết định trước đây là có ràng buộc hạn mức 400.000 tấn. Vì vậy, cơ quan hải quan phải cài đặt để làm sao đến 400.000 tấn thì hệ thống sẽ dừng lại, không chấp nhận các tờ khai nữa.

Vì vậy, sau khi có quyết định của Bộ Công Thương, phía công nghệ thông tin của chúng tôi sẽ phải làm thuật toán đó, sau đó mới cài đặt vào hệ thống. Điều đó lý giải vì sao hệ thống lại hoạt động từ 0h của ngày hôm sau" - ông Mai Xuân Thành giải thích. 

Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, vấn đề dẫn đến bức xúc của doanh nghiệp trong lần này là khi hạn ngạch bị giới hạn sẽ dẫn đến có doanh nghiệp được, doanh nghiệp không.

"Cái này Bộ Tài chính đã có kiến nghị với Bộ Công Thương, nếu tiếp tục quy định hạn ngạch như vậy thì lần sau cũng vẫn sẽ có doanh nghiệp được, doanh nghiệp không, doanh nghiệp sẽ không thể chủ động được phương án kinh doanh" - ông Mai Xuân Thành cho biết. 

Về câu hỏi liệu có hay không cán bộ hải quan "phím" cho doanh nghiệp, dẫn đến có doanh nghiệp đăng ký cả trăm tờ khai, chiếm hết hạn ngạch của các doanh nghiệp còn lại, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan nói: "Cái đó chúng tôi sẽ có báo cáo lên cấp trên để báo cáo với Thủ tướng, nếu có anh nào vi phạm thì sẽ giao cho cơ quan điều tra để điều tra, sẽ xem xét xử lý chứ chúng tôi không dung túng cho việc đó".

Về giải pháp xử lý những bất cập trên, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho biết, cơ quan này đồng tình với kiến nghị của Hiệp hội Lương thực mới đây. Theo đó, Hiệp hội này kiến nghị cần kiểm hoá thực tế đối với các thương nhân đã truyền tờ khai, kiểm tra số container, số seal thực tế của container hàng có đúng với số container, số seal đã được truyền qua mạng để mở tờ khai hay không.

Tuỳ thực tế, có thể vừa kiểm tra và vừa xuất hàng thực tế bị tồn tại đọng tại cảng, vừa phát hiện được thương nhân khai báo không nhằm giữ lượng hạn ngạch.

Với những thương nhân không có đầy đủ căn cứ chứng minh, cơ quan chức năng cần áp dụng biện pháp chế tài và huỷ toàn bộ tờ khai đã được truyền của thương nhân tại hệ thống nếu phát hiện việc khai khống số lượng, khai khống container và số seal, không xuất trình được hàng hoá khi kiểm hoá.

Theo thống kê của Hải quan, đã có 39 doanh nghiệp mở 521 tờ khai với gần 400 tấn gạo. Trong đó, 5 doanh nghiệp đăng ký xuất khẩu nhiều nhất gồm:

- Công ty CP Tập đoàn Intimex, 102 tờ khai, lượng đăng ký 96.234 tấn

- Tổng Công ty Lương thực miền Nam-Công ty Cổ phần, 27 tờ khai, lượng đăng ký 38.357 tấn

- Công ty CP xuất nhập khẩu Kiên Giang, 19 tờ khai, lượng đăng ký 35.677 tấn

- Công ty CP Thương mại Kiên Giang, 44 tờ khai, lượng đăng ký 24.415 tấn

- Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Thành Tín, 40 tờ khai, lượng đăng ký 25.366 tấn.