Máy chạy thận "Made in Việt Nam"

(ANTĐ) - Ở Việt Nam, hiện nay theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì có khoảng 80.000 người bị suy thận ở giai đoạn cuối cần được điều trị.

Máy chạy thận "Made in Việt Nam"

(ANTĐ) - Ở Việt Nam, hiện nay theo số liệu thống kê chưa đầy đủ thì có khoảng 80.000 người bị suy thận ở giai đoạn cuối cần được điều trị.

Nếu chỉ tính riêng 4 cơ sở chạy thận nhân tạo lớn ở Hà Nội  như: Bệnh viện Hữu nghị Hà Nội, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Trung tâm thận nhân tạo - Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm thận nhân tạo Hà Nội (mỗi cơ sở có khoảng 25 - 30 máy lọc thận), thì số lượt bệnh nhân vào lọc máu chạy thận nhân tạo khoảng 5.000 lượt người bệnh/tháng. Còn việc thay thế ghép thận rất tốn kém. Vì thế cả nước mới chỉ đạt số lượng khoảng 100 ca.

Do đó lọc máu bằng thận nhân tạo vẫn là phương pháp điều trị chủ yếu và đang được sử dụng chính ở Việt Nam. Số lượng, số bệnh nhân suy thận cần được điều trị đến bệnh viện điều trị ngày một tăng và quá tải. Vì thế ngoài các Trung tâm thận nhân tạo ở các cơ sở bệnh viện tuyến trung ương, thì các cơ sở thận nhân tạo ngày càng phát triển mở rộng tại các bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, thành phố. 

Điều trị bằng máy chạy thận "made in Việt Nam"
Điều trị bằng máy chạy thận "made in Việt Nam"

Trên thế giới, các hệ thiết bị cung cấp nước cao cấp cho máy thận nhân tạo được một số hãng của Mỹ, Nhật Bản, Thụy Điển... chế tạo với công nghệ cao như: Toray, Gambro, B.Braun... nhưng giá thành rất đắt, phải nhập vào nước ta cỡ trên 350 triệu đồng (công suất 100 lít/h), chưa  kể đến vấn đề bảo bảo trì, sửa chữa, chuyên gia lắp đặt và đặc biệt chưa phù hợp với điều kiện nguồn nước thực tế đầu vào của Việt Nam.

Mặc dù vấn đề này đang là nhu cầu bức xúc đặt ra trong lĩnh vực điều trị thận ở nước ta, nhưng cho đến nay chưa có cơ sở nghiên cứu khoa học nào tiến hành nghiên cứu chế tạo một cách chính thống.

Do đó một nhóm các nhà khoa học của Trung tâm ứng dụng vật lý y sinh và kỹ thuật môi trường đã tiến hành nghiên cứu, hoàn thiện được công nghệ chế tạo tại Việt Nam và hoàn thiện quy trình công nghệ xử lý đạt tiêu chuẩn nước cao cấp cho chạy thận nhân tạo tương đương với hãng Toray, mà giá thành có thể giảm được 1/3, mở ra một triển vọng mới chữa căn bệnh nan y này cho những bệnh nhân nghèo.

Sự thành công này đã góp phần phục vụ kịp thời, chủ động cho công tác điều trị bệnh suy thận mãn ngày càng gia tăng ở nước ta.

Theo Thạc sỹ Trịnh Ngọc Diệu - Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu thì thiết bị mới đã đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu sau: Không làm thay đổi thành phần và tính chất hóa lý của dịch sau khi pha loãng. Không có các độc tố vô cơ (nhôm, thủy ngân, đồng, chì,  asen...) và hữu cơ (nitơrat, nitrit, amoniac...).

Chất lượng nước tốt về mặt vi khuẩn và các nhiệt tố. Bước đầu tiên quan trọng của quá trình nghiên cứu thiết kế, chế tạo là lựa chọn các tiêu chuẩn kỹ thuật thích hợp. Dựa trên các tài liệu khoa học nước ngoài và tham khảo các thông số kỹ thuật của một số hệ xử lý nước cho chạy thận nhân tạo đang được sử dụng điều trị bệnh tại Việt Nam.

Tham khảo ý kiến của các bác sỹ chuyên gia đầu ngành về thận của các Trung tâm thận nhân tạo và khảo sát, phân tích chất lượng nước thực tế của ta để tiến hành thiết kế hệ thống thiết bị. Sau một loạt những nghiên cứu và thử nghiệm, việc đo đạc kiểm chuẩn chỉ tiêu vi sinh và thành phần hóa lý đã được đánh giá tốt từ Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội và Viện Công nghệ Sinh Học, Viện Hóa Học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Qua đánh giá chất lượng nước sau khi xử lý đạt tiêu chuẩn nước cung cấp cho các máy lọc máu và chạy thận nhân tạo, tương đương với các chỉ tiêu của máy Toray - Nhật Bản và được ứng dụng tại một số bệnh viện lớn của ngành y tế phục vụ cho lọc máu chạy thận nhân tạo. Kết quả đạt được về các yêu cầu thông số kỹ thuật cũng như chỉ tiêu chất lượng nước sau khi xử lý, đã khẳng định được khả năng tiếp cận chế tạo và sản xuất thiết bị y tế trong nước có hàm lượng công nghệ cao; giá thành hạ (giảm 1/3 so với hệ cùng công suất tương đương) tiến tới sẽ làm chủ và chế tạo hàng loạt thay thế hàng nhập ngoại, tiết kiệm ngoại tệ cho đất nước.

Hiện nay thiết bị này đã bắt đầu được đưa vào sử dụng tại một số cơ sở y tế như: Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia; Bệnh viện đa khoa Hải Dương; Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tây, Bệnh viện 108...

Nguyễn Long