Mặt bằng lãi suất ngân hàng có thể giảm nhẹ trong năm 2020

ANTD.VN - Lãi suất huy động không tăng, thậm chí có xu hướng giảm. Các ngân hàng cũng đồng loạt đưa ra những chính sách lãi suất hỗ trợ đối với các khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh virus corona (nCoV). Nhiều nhận định cho rằng mặt bằng lãi suất có thể sẽ giảm nhẹ trong năm 2020.

Ngân hàng hỗ trợ khách hàng ảnh hưởng bởi dịch bệnh

Thời gian gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục có những chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) có giải pháp hỗ trợ khách hàng ứng phó với dịch bệnh do virus Corona gây ra.

Mới đây nhất, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã yêu cầu các ngân hàng xây dựng kịch bản, giải pháp hỗ trợ cụ thể hay một chương trình hành động nhằm ứng phó với dịch bệnh này.

Theo đó, các NHTM có thể thực hiện nhiều giải pháp như: cơ cấu lại nợ, dư nợ, cơ cấu lại thời gian trả nợ, xem xét giảm lãi suất, cho vay mới để khách hàng bị thiệt hại có điều kiện nuôi trồng, kinh doanh mới.

Về lãi suất, hiện không ấn định một mức lãi suất cụ thể, NHNN khuyến khích các NHTM nên giảm lãi suất cho những đối tượng đang chiụ ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh (ngoài những lĩnh vực ưu tiên đang hưởng lãi suất cho vay 6%/năm).

Phía NHNN, Phó Thống đốc cho biết, NHNN sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các NHTM. Trong điều kiện thanh khoản hiện dồi dào, ngân hàng không thiếu vốn, các NHTM không được tăng lãi suất, kể cả lãi suất huy động. Nếu cần thiết, NHNN cũng sẽ điều chỉnh lãi suất điều hành, qua đó gián tiếp hỗ trợ các NHTM giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp.

Về phía các NHTM, theo ông Trần Văn Tần, Uỷ viên HĐQT VietinBank, ngân hàng này đã có văn bản đánh giá sơ bộ thiệt hại dịch gây ra với nền kinh tế gửi cho các chi nhánh toàn quốc, đồng thời chỉ đạo các chi nhánh rà soát lại nắm bắt cụ thể khi có diễn biến mới…

Ngân hàng này cũng có những giải pháp cụ thể đáp ứng đủ nhu cầu vốn các lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Ngoài các lĩnh vực ưu tiên áp dụng lãi suất 6%/năm, VietinBank đưa ra chương trình cho vay với một số lĩnh vực khác lãi suất là 6,8%/năm...

Lượng lớn khách hàng của các ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng do dịch virus Corona

Tương tự, Tổng Giám đốc Vietcombank ông Phạm Quang Dũng cũng cho biết, ngân hàng đã có kế hoạch, rà soát, đánh giá khách hàng, đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như cơ cấu lại nợ, cơ cấu thời hạn cho vay, có chương trình ưu đãi lãi suất hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch nCoV.

Mặt bằng lãi suất có thể giảm

Trên thực tế, kể từ sau Tết Nguyên đán 2020 tới nay, diễn biến lãi suất huy động có phần khác mọi năm, không còn cuộc đua lãi suất đầu năm như những năm trước, thậm chí một số ngân hàng còn giảm nhẹ ở một số kỳ hạn.

Lãi suất đầu vào ổn định là điều kiện để các ngân hàng giữ lãi suất đầu ra, thậm chí là một số ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ khách hàng gặp bất lợi trong kinh doanh do tác động của dịch nCoV.

Mới đây, VPBank thông báo hỗ trợ giảm lãi suất cho vay tới 1,5%/năm đối với các khoản vay không có tài sản bảo đảm và giảm tới 1,0%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm đối với những doanh nghiệp được đánh giá sẽ chịu tác động lớn do dịch bệnh virus Corona.

ABBank cũng cho biết, ngân hàng này dành nguồn vốn chi phí thấp trị giá 4.000 tỷ đồng cho khách hàng của mình.

Hay mới đây nhất, Kienlongbank cũng thông báo áp dụng giảm lãi suất cho vay 3%/năm đối với các khách hàng hiện hữu có mục đích vay để trồng các loại trái cây bị ảnh hưởng do dịch bệnh, thời gian áp dụng từ ngày 01/02 đến 30/4/2020. Ngoài ra, các đối tượng khách hàng trên còn được Kienlongbank miễn tiền phạt quá hạn.

Theo nhận định của SSI Research, sang năm 2020, lãi suất huy động có khả năng tiếp tục hạ dựa trên 2 nền tảng là thanh khoản hệ thống ngân hàng và định hướng từ Chính phủ. Những diễn biến vừa qua cho thấy công tác kiểm soát hoạt động các ngân hàng nhỏ đã có hiệu quả, từ đó hạn chế bớt các cuộc chạy đua lãi suất trong tương lai.

Còn CTCK Bảo Việt (BVSC) lại cho rằng, có thể lãi suất sẽ giảm nhẹ trong năm 2020. Theo BVSC, tính đến nay, Việt Nam mới có một lần điều chỉnh giảm 0,25% lãi suất điều hành vào tháng 9/2019 ít hơn so với các nước trong khu vực. Hiện dư địa để Việt Nam cắt giảm tiếp lãi suất điều hành là khá nhiều nếu trong trường hợp kinh tế tăng trưởng thấp dưới mục tiêu.

Trong tình hình hiện nay, nếu dịch Corona nằm trong tầm kiểm soát với số ca nhiễm và tử vong không lớn, BVSC dự báo GDP trong quý I/2020 có thể sẽ tăng quanh mức 6,5%, thấp hơn 0,2-0,4% so với cùng kỳ năm 2019. Nhu cầu vay vốn để mở rộng kinh doanh, sản xuất có thể sẽ giảm khiến nhu cầu về vốn của ngân hàng không chịu áp lực lớn. Trong kịch bản này, sau giai đoạn nửa đầu năm có lạm phát cao, lãi suất huy động có thể giảm nhẹ để kích thích tăng trưởng nền kinh tế.

Tuy nhiên, mặt bằng lãi suất trong 2 năm tới sẽ khó giảm mạnh, do hai yếu tố là lộ trình kiểm soát rủi ro về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn sẽ được giảm dần và nâng cao năng lực tài chính theo chuẩn Basel II.