Lượng tài khoản mở mới tăng kỷ lục, đã đến lúc "đón sóng" thị trường chứng khoán?

ANTD.VN - Dù thị trường chứng khoán đã phục hồi, tuy nhiên đây chỉ là xu hướng ngắn hạn, còn trong trung và dài hạn, rủi ro vẫn tiềm ẩn. Do đó, các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư “tay ngang” cần hết sức cẩn trọng.

Mở tài khoản chờ “bắt đáy”

Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho biết, tính đến 31/3, có hơn 2,4 triệu tài khoản trong nước và gần 33.000 tài khoản nước ngoài đang giao dịch.

Trong đó, nhà đầu tư trong nước mở mới gần 32.000 tài khoản, cao nhất sau giai đoạn thị trường lập đỉnh 1.200 điểm cách đây 2 năm. Trong khi đó, số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài mở thêm chưa đến 200.

Việc nhà đầu tư trong nước ồ ạt mở tài khoản diễn ra trong bối cảnh chứng khoán Việt Nam đang trong xu hướng tiêu cực cùng với diễn biến của thị trường chứng khoán thế giới.

Trong tháng 3, Việt Nam xếp thứ 6 trong danh sách những thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới khi chỉ số VN-Index mất gần 25%. Nhiều cổ phiếu vốn hóa ghi nhận chuỗi giảm sâu với mức giảm lên đến 40% trong tình trạng trắng bên mua.

VN-Index đóng cửa tháng 3 tại vùng 660 điểm. Thị trường chứng khoán Việt Nam có mức định giá thấp nhất trong khu vực khi P/E chỉ khoảng 10 lần. Theo nhiều công ty chứng khoán, con số này cho thấy thị trường Việt Nam đang rất hấp dẫn và có thể là lợi thế để thu hút dòng vốn lớn.

Đây là lý do mà rất nhiều nhà đầu tư đã chú ý hơn đến thị trường này. Nhiều nhà đầu tư đã ngừng giao dịch hoặc bị “kẹt hàng” trong những năm trước hiện nay đã nạp tiền thêm hoặc mở lại tài khoản, đây là lý do giúp thị trường có những phiên phục hồi kể từ đầu tháng 4.

Thị trường chứng khoán giảm mạnh đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư

Cá biệt, trong phiên giao dịch ngày 6/4, chứng khoán Việt Nam đã chứng kiến các chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất trong 19 năm qua với mức tăng gần 5%. Mặc dù mức tăng này vẫn thua thời điểm năm 2001 nhưng thực chất thời điểm 2001, thị trường chứng khoán vẫn còn rất sơ khai với khoảng 4 mã chứng khoán nên việc nhà đầu tư đổ vào mua khiến chỉ số tăng mạnh là điều dễ hiểu. Còn tới thời điểm này, với hơn 1.000 mã chứng khoán thì việc VN-Index có thể tăng mạnh tới gần 5% cũng có thể coi là mức tăng kỷ lục trong lịch sử.

Mua lúc này liệu đã an toàn?

Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân hỗ trợ cho thị trường chứng khoán phục hồi như: Tình hình dịch bệnh Covid-19 có dấu hiệu được kiểm soát tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới; Các gói kích cầu, hỗ trợ mà các Chính phủ cũng như Việt Nam tung ra có thể giúp cho người dân và các doanh nghiệp lạc quan hơn trong dịch bệnh;

Cùng với đó, thị trường giảm điểm rất mạnh trong giai đoạn từ đầu năm đến nay đã kích thích dòng tiền bắt đáy khiến dòng tiền quay trở về thị trường…

Mặc dù rủi ro thị trường đã phần nào giảm xuống, tuy nhiên nhiều nhận định cho rằng rủi ro giảm điểm vẫn còn cao. Nhìn về trung và dài hạn, theo ông Phan Dũng Khánh (Giám đốc tư vấn đầu tư của Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng), áp lực thị trường giảm điểm vẫn chưa kết thúc.

Ông Khánh lưu ý, trong 1-2 năm qua số lượng cổ phiếu niêm yết mới nhiều hơn, doanh nghiệp lên sàn cũng nhiều hơn nhưng thanh khoản giảm đi cho thấy dòng tiền cũng ảnh hưởng nhiều hơn.

Ngoài ra, kể từ khi thiết lập đỉnh và năm 2018 thì thị trường chứng khoán Việt Nam đã liên tục giảm điểm. Do đó, theo ông Khánh, dịch bệnh chỉ là một trong những lý do tiếp theo tác động đến thị trường. Yếu tố khiến thị trường giảm điểm từ năm 2018 là “thương chiến” chưa kết thúc; chưa kể sẽ diễn ra những cuộc chiến mới khi các ngân hàng trung ương đua nhau bơm tiền và hạ lãi suất.

“Cho nên thị trường chứng khoán về dài hạn còn rất nhiều vấn đề do bị kẹt giữa những bất ổn khác nhau trên thế giới” – ông Phan Dũng Khánh nhận định.

Theo vị chuyên gia này, trong năm nay có hai nhóm cổ phiếu mang lại lợi nhuận tốt nếu biết đầu tư. Thứ nhất là cổ phiếu penny (giá thấp). Nhìn vào diễn biến thị trường có thể thấy cổ phiếu bluechips chỉ tăng tốt trong 1 tuần gần đây nhưng khi thị trường có diễn biến xấu thì dòng tiền có xu hướng đổ sang cổ phiếu penny.

Kênh thứ hai là thị trường chứng khoán phái sinh, bởi khi thị trường cơ sở xấu ngay lập tực thị trường phái sinh nhận được dòng tiền rất lớn. Thậm chí đã có nhiều nhà đầu tư thu được lợi nhuận khủng tại thị trường này.

Cũng theo ông Khánh, giai đoạn này mua cổ phiếu giữ trong dài hạn là chưa nên, mà chỉ nên mua giữ ngắn hạn. Cần quan sát dòng tiền trong từng giai đoạn để xem dòng tiền đi theo huớng nào thì đi theo hướng đó.

Riêng đối với các nhà đầu tư “tay ngang” có ý định “bắt sóng” trong thời điểm này, các chuyên gia khuyên không nên mạo hiểm. Vì lựa chọn “lướt sóng” thì cơ hội và rủi ro nhân lên gấp bội, nhà đầu tư cần xác định mình có thể chấp nhận mất bao nhiêu để cân đối tài chính, không nên sa đà, “tất tay”.

Về cổ phiếu penny, tuy có thể mang lại lợi nhuận tốt nhưng thường trực nguy cơ mất thanh khoản.

Báo cáo triển vọng thị trường chứng khoán tháng 4 của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho rằng thị trường Việt Nam sẽ tiếp tục đồng điệu với thị trường thế giới khi mà khối ngoại đang chiếm hơn 20% giá trị vố hóa sàn HoSE và giao dịch của khối ngoại luôn có ảnh hưởng nhất định tới tâm lý nhà đầu tư trong nước, trong khi thị trường Mỹ có xác suất cao sẽ giảm trở lại.

Thứ hai, mặc dù cho rằng dịch bệnh sẽ được khống chế trong quý II, tuy nhiên mức độ lây lan và khả năng kiểm soát dịch của Việt Nam và thế giới là một ẩn số khó lường. Trong trường hợp Việt Nam và các nước lớn như Mỹ và châu Âu kéo dài thời hạn cách ly, phong tỏa, “cú shock cầu” có thể ảnh hưởng đến kết quả hoạt động của doanh nghiệp nhiều hơn dự báo.

Do đó, rủi ro thị trường tiếp tục biến động mạnh ở vùng điểm thấp vẫn chưa được hoàn toàn loại bỏ. VDSC dự báo vùng điểm dao động của VN-Index trong tháng 4 được kỳ vọng ở mức 630-750 điểm.