Lúng túng khai báo hải quan, hơn 40% thủ tục xuất nhập khẩu bị xếp vào luồng Vàng, luồng Đỏ

ANTD.VN - Nhiều doanh nghiệp còn lúng túng trong quá trình khai báo hải quan nên dẫn đến khai nhầm, khai thiếu thông tin trong hồ sơ, chứng từ khá phổ biến. Đây là lý do tỷ lệ tờ khai xuất nhập khẩu bị phân vào luồng Vàng vẫn còn cao.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm nay, ngành Hải quan đã làm thủ tục thông quan cho hơn 6 triệu tờ khai xuất nhập khẩu trong đó, tổng số tờ khai được xếp vào luồng Xanh chiếm tỷ lệ 57,53%; luồng Vàng chiếm tỷ lệ 37,46% và luồng Đỏ chiếm tỷ lệ 5,01%.

Theo ông Bùi Thái Quang, Phó Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro hải quan thì tỷ lệ luồng Vàng như vậy vẫn còn cao. Nguyên nhân là do nhiều doanh nghiệp còn lúng túng trong quá trình khai báo hải quan nên dẫn đến khai nhầm, khai thiếu thông tin trong hồ sơ, chứng từ là khá phổ biến, do đó bị hệ thống thông quan điện tử (Hệ thống VNACCS/VCIS) phân vào luồng Vàng.

Hơn nữa, hiện vẫn còn tới 414 văn bản quy định về chính sách và thủ tục hành chính do các bộ quản lý chuyên ngành ban hành liên quan đến công tác kiểm tra chuyên ngành khiến doanh nghiệp và ngay cả cơ quan Hải quan gặp khó khăn trong quá trình làm thủ tục xuất, nhập khẩu hàng hoá.

“Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ quản lý chuyên ngành thực hiện bổ sung, sửa đổi các quy định kiểm tra chuyên ngành nhưng tiến độ thực hiện chậm, gây nhiều khó khăn cho cả cơ quan hải quan và doanh nghiệp” – ông Quang cho biết.

Tỷ lệ thủ tục xuất nhập khẩu bị phân vào luồng Vàng còn cao

Về lý do các tờ khai xuất, nhập khẩu bị phân vào luồng Đỏ, vị đại diện Tổng cục Hải quan cho biết nguyên nhân là do các lỗi cố ý buôn lậu, gian lận thương mại; trốn và gian lận thuế và không chấp hành yêu cầu của cơ quan hải quan. Thậm chí nhiều trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật, như sửa, bổ sung hoặc hủy tờ khai một cách thường xuyên.

Theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, Nghị quyết 19/ NĐ – CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã xác định rõ, đến năm 2020 thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu, giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành, bảo  đảm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Để thực hiện mục tiêu này, Tổng cục Hải quan đã quy định áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong hoạt động hải quan. Trong đó, cơ quan hải quan đánh giá mức độ tuân thủ của người khai hải quan và áp dụng các biện pháp kiểm tra tương ứng. Căn cứ vào mức độ tuân thủ của doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu của doanh nghiệp sẽ được hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCIS) phân luồng theo 3 cấp độ: Miễn kiểm tra (luồng Xanh); kiểm tra hồ sơ (luồng Vàng); kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế hàng hóa (luồng Đỏ).

Tổng cục Hải quan cũng đang nghiên cứu, xây dựng và trình Bộ Tài chính xem xét phê duyệt đề án khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật Hải quan.

Lãnh đạo Tổng cục Hải quan cho rằng, bên cạnh nỗ lực của ngành hải quan thì các doanh nghiệp có tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hoá cũng cần chủ động tìm hiểu thông tin về chế độ, chính sách, quy trình, thủ tục Hải quan, thủ tục của các cơ quan quản lý chuyên ngành… để hiểu và áp dụng đúng trong thực tế.

“Các doanh nghiệp cũng cần chủ động cung cấp thông tin đúng và kịp thời về hoạt động kinh doanh, sản xuất, xuất, nhập khẩu hàng hoá; thực hiện khai báo đầy đủ, cụ thể, chính xác, rõ ràng các thông tin trên tờ khai và hạn chế việc bổ sung sửa đổi, hủy tờ khai... của mình cho cơ quan Hải quan để Hải quan có cơ sở đánh giá sự tuân thủ pháp luật và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp thông quan hàng hóa” – ông Bùi Thái Quang nói.