Luật sư nói gì về quy định ghi tên các thành viên trong gia đình vào "sổ đỏ"?

ANTD.VN - Thông tư 33/2017/ BTNMT có hiệu lực từ 5-12 nêu rõ, “sổ đỏ” cấp cho hộ gia đình sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của họ. Tuy vậy,  quy định này cũng gây không ít khó khăn cho người dân khi thực hiện các giao dịch liên quan đến “sổ đỏ”.

Đảm bảo đầy đủ quyền của người được cấp đất

Với quy định “sổ đỏ” cấp cho hộ gia đình sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất, Thông tư 33/2017/ BTNMT sẽ đảm bảo được đầy đủ quyền và lợi ích của từng cá nhân trong hộ gia đình được cấp đất, tránh trường hợp khi thực hiện các giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất thì quyền lợi của các cá nhân trong hộ bị bỏ sót - Luật sư Nguyễn Đào Tơ – Trưởng VPLS Hoàng Huy nhận định.

Thông tư Thông tư 33/2017/ BTNMT cũng xác nhận rõ ràng, đầy đủ, chi tiết các thông tin về các thành viên được cấp đất khi cầm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đi tham gia các giao dịch.  Quy định này nhằm giảm bớt các thủ tục hành chính trong việc xác nhận thành viên được cấp đất tại thời điểm đất được cấp khi các thành viên trong hộ gia đình có sự thay đổi về sổ hộ khẩu (xác nhận tại cơ quan hành chính về nội dung mình là thành viên được cấp đất trong trường hợp thành viên đó bị xóa khẩu theo sổ hộ khẩu tại thời điểm được cấp đất).

Quy định “sổ đỏ” cấp cho hộ gia đình sẽ ghi tên các thành viên trong gia đình cùng sử dụng đất nhằm đảm bảo quyền và lợi ích của họ

Ngoài ra, quy định trên trong Thông tư 33/2017/ BTNMT đã tạo thuận lợi cho các tổ chức hành nghề Công chứng, Văn phòng đăng ký đất, Sở tài nguyên môi trường, cơ quan thuế nhà nước … và các cơ quan hành chính khác trong việc xác định các thành viên được cấp đất có quyền, lợi ích và nghĩa vụ liên quan đến việc định đoạt, sử dụng quyền sử dụng đất và được đảm bảo các giao dịch liên quan được thực hiện có hiệu lực.

Cho ví dụ về nội dung này, Luật sư Nguyễn Đào Tơ phân tích, tại tổ chức hành nghề công chứng, khi hộ gia đình có nhu cầu chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình thì tất cả các thành viên được cấp đất có quyền định đoạt tài sản chung của hộ gia đình, khi làm hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bắt buộc phải được sự thống nhất và đồng ý của tất cả các thành viên trong hộ được cấp đất và các thành viên đó phải ký vào Hợp đồng chuyển nhượng có công chứng chứng thực tại tổ chức hành nghề công chứng.

Thông qua Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho hộ gia đình thì tổ chức hành nghề công chứng có thể xác nhận được một cách nhanh chóng, chính xác về các thành viên được cấp đất có bao nhiêu người và thông tin cụ thể của từng người, để xác định những ai có quyền định đoạt với tài sản là quyền sử dụng đất theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó.

Còn với quy định trước đây, chỉ chủ hộ gia đình đứng tên đại diện nên khi xác nhận các thành viên trong hộ gia đình có những ai được cấp đất lại phải thông qua sổ hộ khẩu và trong trường hợp có sự thay đổi nhân khẩu trong sổ hộ khẩu thì tổ chức hành nghề công chứng rất mất thời gian và khó có thể xác định được chính xác những ai được cấp đất. Trường hợp nếu xác định không đúng, không đầy đủ các thành viên được cấp đất để tham gia giao dịch chuyển nhượng thì hợp đồng công chứng bị vô hiệu.

Mặt khác, theo Thông tư 33/2017/ BTNMT, việc ghi tên đầy đủ thông tin các thành viên được cấp đất lên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình còn tạo điều kiện cho các Sở Tài nguyên Môi trường trong việc quản lý, xác định cá nhân trong hộ gia đình đối với tài sản chung của hộ; Đảm bảo quyền lợi chung cho các thành viên được cấp đất trong hộ gia đình, hạn chế tranh chấp nội bộ giữa các thành viên trong hộ gia đình và giữa hộ gia đình và các cá nhân khác.

Gây rối rắm, dễ nhầm lẫn, sai sót

Cũng theo Luật sư Nguyễn Đào Tơ, bên cạnh những ưu điểm nêu trên thì quy định ghi thông tin đầy đủ của các thành viên được cấp đất lên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất   theo Thông tư 33/2017/ BTNMT có khá nhiều bất cập.  

Bởi, trong trường hợp hộ gia đình có nhiều thành viên được cấp đất thì việc ghi thông tin đầy đủ của các thành viên lên “sổ đỏ” rất dài, chiếm nhiều diện tích nên dễ gây rối mắt, rườm rà và không có tính mỹ quan đối với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Luật sư Nguyễn Đào Tơ - Trưởng VPLS Hoàng Huy

Hơn nữa, tại thời điểm cấp “sổ đỏ”, nếu ghi đầy đủ các thông tin của mỗi cá nhân vào trong đó, trong trường hợp sau này thành viên trong gia đình có sự thay đổi về thông tin cá nhân sẽ phải làm thủ tục hiệu đính lại “sổ đỏ” rất phức tạp, mất thời gian. Ngoài ra việc có quá nhiều thông tin trên “sổ đỏ” dễ dẫn đến tình trạng lỗi kỹ thuật, bị sai sót thông tin.

Như vậy, việc ghi đầy đủ thông tin của các thành viên trong hộ gia đình đối với “sổ đỏ” cấp cho hộ gia đình theo Thông tư 33/2017/ BTNMT nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan quản lý song sẽ tạo ra không ít  khó khăn cho người dân khi tham gia vào các giao dịch liên quan đến “sổ đỏ”. Nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước và người dân thì cần triển khai đồng bộ quy định trên với quy định về sổ định danh hoặc chỉ ghi họ tên các thành viên trong hộ mà không ghi các thông tin khác như số chứng minh nhân dân, hộ khẩu thường trú…