Luật Doanh nghiệp cần sửa đổi sát với thực tế, nhu cầu của doanh nghiệp

ANTD.VN - Theo ông Phan Đức Hiếu- Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đa số các bộ ngành còn chưa chủ động loại bỏ điều kiện kinh doanh, giấy phép con mà khi có Tổ công tác của Thủ tướng rà soát mới thực hiện.

Luật Doanh nghiệp đang tiếp tục được lấy ý kiến để sửa đổi

Ngày 18-11, CIEM phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo 20 năm Luật doanh nghiệp: Thành tựu, bài học và yêu cầu cải cách.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, trước khi có Luật Doanh nghiệp, muốn thành lập phải xin qua hơn 30 chữ ký và con dấu khác nhau; thậm chí trong chỉ đạo của các địa phương còn thể hiện rõ sự chủ quan của người lãnh đạo khiến các doanh nghiệp khó khăn, chật vật và tốn nhiều chi phí “bôi trơn” để xin các giấy phép…

Tuy nhiên, với Luật Doanh nghiệp sửa đổi hiện hành, môi trường kinh doanh đã có những cải thiện rõ rệt. Ông Nguyễn Đình Cung- nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, với Luật Doanh nghiệp hiện hành, quyền tự do kinh doanh được bảo đảm, giảm chi phí tuân thủ, tăng độ an toàn trong kinh doanh, quyền và tài sản trong kinh doanh được pháp luật bảo vệ…

Tuy vậy, ở một số ngành như: dịch vụ pháp lý, tài chính, ngân hàng… vẫn áp dụng kiểm soát, hạn chế đáng kể quyền tự do kinh doanh.

Đồng quan điểm này, ông Phan Đức Hiếu cho rằng, vì quyền và lợi ích nên nhiều bộ, ngành chưa chủ động cắt giảm các điều kiện kinh doanh không cần thiết, giấy phép con…

“Để sửa đổi Luật Doanh nghiệp tới đây được thực chất và hiệu quả, các cơ quan quản lý phải lắng nghe doanh nghiệp, nhìn thẳng vào sự thật để có những sửa đổi sát với thực tế cũng như nhu cầu, nguyện vọng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, pháp luật phải có những điều khoản tương thích với tiêu chuẩn quốc tế, làm tốt hơn các quốc gia khác, phát huy sức mạnh toàn dân”- ông Phan Đức Hiếu kiến nghị.

Luật Doanh nghiệp được ra đời năm 1999. Sau đó, Luật này được sửa đổi vào các năm 2004 và 2014. Luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2014 được đánh giá là có nhiều đột phá về cải cách thủ tục hành chính, hạn chế rủi ro về chính sách cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn có những bất cập cần tháo gỡ. Qua 20 năm thực hiện, Luật Doanh nghiệp đang được xin ý kiến sửa đổi tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV.