Lợi nhuận trước thuế của Agribank đạt hơn 7.500 tỷ đồng, tổng tài sản 1,3 triệu tỷ đồng

ANTD.VN - Năm 2018, lợi nhuận trước thuế của Agribank đạt 7.525 tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch đề ra 5.700 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng (tăng trưởng 11,8%); quy mô tín dụng và đầu tư  đạt trên 1,2 triêu tỷ đồng (tăng 14,6%), trong đó tín dụng đầu tư cho “Tam nông” chiếm 70,5% tổng dư nợ của Agribank...

Đây là những con số được đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2019 của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) ngày 16/1.

Theo đó, ông Tiết Văn Thành - Thành viên HĐTV, Tổng Giám đốc Agribank cho biết năm 2018 ghi dấu mốc tròn 30 năm thành lập, cũng là tròn 05 năm kể từ thời điểm Agribank bắt đầu quá trình tái cơ cấu. Kết thúc năm 2018, Agribank hoàn thành toàn diện vượt mức 100% kế hoạch đề ra, đạt kết quả đầy ấn tượng, tiếp tục tạo nền tảng quan trọng để Agribank thực hiện thành công phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016- 2020 tiến tới cổ phần hóa.

Năm 2018, lợi nhuận trước thuế đạt 7.525 tỷ đồng, vượt xa so với kế hoạch đề ra 5.700 tỷ đồng. Tổng tài sản đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng (tăng trưởng 11,8%); quy mô tín dụng và đầu tư  đạt trên 1,2 triêu tỷ đồng (tăng 14,6%), trong đó tín dụng đầu tư cho “Tam nông” chiếm 70,5% tổng dư nợ của Agribank; hoạt động dịch vụ đạt 5.400 tỷ đồng, tăng trưởng 21%.

Năm 2018, Agribank đạt những kết quả kinh doanh ấn tượng

Nợ xấu theo Thông tư 02 là 1,51%, thấp hơn so với năm 2017; Thu hồi nợ sau xử lý 11.936 tỷ đồng, đạt 104% mục tiêu do HĐTV đề ra; Trích lập dự phòng rủi ro đạt 25.590 tỷ đồng; Tổng nguồn dự phòng xử lý rủi ro còn lại gần 20.000 tỷ đồng, đủ khả năng mua trước hạn toàn bộ nợ đã bán cho VAMC và xử lý kịp thời các khoản nợ xấu phát sinh nếu có trong năm 2019.

Trong số 1,7 triệu tỷ đồng toàn ngành Ngân hàng đầu tư cho “Tam nông”, nguồn vốn Agribank chiếm đến trên 50%. Agribank triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Riêng cho vay xây dựng nông thôn mới, Agribank đã triển khai đến 100% số xã trên cả nước.

Agribank đã thực hiện giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên và thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng đối với khách hàng. Ngay từ đầu năm 2018, Agribank đã chủ động giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và các chương trình tín dụng của Nhà nước. Ngoài việc giảm lãi suất cho vay, Agribank còn triển khai 5 gói tín dụng ưu đãi đối với khách hàng pháp nhân và cá nhân với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1%- 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.

Agribank cũng triển hiệu quả Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng (đã triển khai an toàn 68 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với 2.746 phiên, phục vụ gần 300.000 khách hàng tại 357 xã trên toàn quốc, doanh số giao dịch đạt 3.500 tỷ đồng), trên 58.000 tổ vay vốn, phát triển dịch vụ tài chính vi mô, cho vay gần 4 triệu khách hàng hộ sản xuất và cá nhân…

Tổng Giám đốc Agribank Tiết Văn Thành cũng chia sẻ về những khó khăn hiện nay của Agribank trong việc bổ sung vốn điều lệ. Hiện vốn điều lệ của Agribank đang ở mức thấp nhất so với các NHTM lớn khác, đến cuối 2018 mới đạt 30.470 tỷ đồng.

Ngoài ra, công tác cổ phần hóa chậm so với tiến độ đề ra. Cho vay nông nghiệp, nông thôn thường xuyên phải đối mặt với rủi ro thiên tai bất khả kháng, chi phí hoạt động lớn và rủi ro cao trong khi lãi suất cho vay ưu đãi thấp. Trong khi đó, Agribank phải cạnh tranh bình đẳng với các NHTM khác trong huy động vốn đáp ứng nhu cầu cho vay… Mặc dù Nghị quyết 42 đã tạo hành lang pháp lý để các TCTD trong đó có Agribank đẩy mạnh xử lý nợ xấu, tuy nhiên hoạt động này cũng còn gặp những khó khăn, vướng mắc từ thực tế triển khai…

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng phát biểu tại Hội nghị

Đánh giá cao những kết quả đạt được của Agribank, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cũng đề nghị Agribank quán triệt tổ chức thực hiện Chỉ thị 01 của NHNN, tiếp tục xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, tập trung thực thi nhiệm vụ của một NHTM gắn với “Tam nông” như tên gọi của Ngân hàng, cần quan tâm đến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, thúc đẩy phát triển tín dụng tiêu dùng để góp phần đẩy lùi tín dụng đen…

Để tiếp tục thực hiện thành công Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu từ nay đến 2020, nhiều nhiệm vụ đặt ra đối với Agribank. Theo đó, Agribank cần phối hợp các Bộ, Ngành sớm giải quyết bài toán tăng vốn điều lệ, có kế hoạch để tăng vốn tự có cấp 2, thực hiện cơ cấu lại các công ty con và công ty liên kết, sớm xử lý dứt điểm pháp nhân ALCI; sớm hoàn thành phương án sắp xếp, xử lý nhà đất liên quan đến lộ trình cổ phần hóa...