Lợi nhuận tăng, liệu các ngân hàng có giảm lãi suất cho vay?

ANTD.VN - Thông tin lợi nhuận các ngân hàng liên tục khởi sắc những năm gần đây khiến nhiều người kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay thời gian tới có thể giảm. Tuy nhiên, trên thực tế đây là bài toán khó đối với các ngân hàng.

Lợi nhuận liên tục “bùng nổ”

Năm 2018 tiếp tục chứng kiến sự “bùng nổ” lợi nhuận của các ngân hàng. Trong đó, Vietcombank tiếp tục giữ “ngôi vương” với trên 18.300 tỷ đồng. Tiếp theo là Techcombank với 10.660 tỷ đồng;  BIDV đạt 9.476 tỷ đồng; VPBank đạt trên 9.200 tỷ đồng; Agribank đạt 7.525 tỷ đồng; MB đạt 7.700 tỷ đồng; Vietinbank đạt 6.900 tỷ đồng...

Theo thống kê quy mô lợi nhuận của top 10 ngân hàng (Vietcombank, Techcombank, BIDV, VPBank, MBBank, Agribank, VietinBank, ACB, HDBank, VIB) đã đạt tới hơn 83.000 tỷ đồng, tăng khoảng 35% so với năm ngoái. Nhiều ngân hàng tăng trưởng mạnh với mức tăng trên 1,5 lần như Vietcombank, MBBank, ACB, HDBank, VIB.

Ngoài ra, toàn hệ thống cũng ghi nhận hàng loạt ngân hàng lãi nghìn tỷ khác như: Sacombank, Eximbank, LienVietPostBank, SHB, OCB, TPBank.

Lợi nhuận ngành ngân hàng liên tiếp bùng nổ trong 2 năm qua, theo các chuyên gia là nhờ vào việc các ngân hàng tăng cường xử lý nợ xấu, cùng với đó là tập trung vào mảng bán lẻ, đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, bắt tay với các hãng bảo hiểm.

Triển vọng lợi nhuận các ngân hàng khá sáng sủa trong những năm tới

Với đà này, dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ tiếp tục khả quan trong thời gian tới. Kết quả khảo sát của Vụ Dự báo thống kê (Ngân hàng Nhà nước) cho thấy, khoảng 88% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh tiếp tục cải thiện hơn so với năm 2018, trong đó có khoảng 35% tổ chức tín dụng dự báo tình hình kinh doanh sẽ cải thiện nhiều.

Lãi suất liệu có giảm?

Với việc tăng trưởng lợi nhuận khả quan, nhiều người kỳ vọng các ngân hàng sẽ giảm lãi suất cho vay để chia sẻ với khách hàng. Tuy nhiên trên thực tế, ngoài một số ngân hàng thực hiện giảm lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên hồi đầu năm thì lãi suất chung trên thị trường không có xu hướng giảm.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, hiện mặt bằng lãi suất cho vay VND phổ biến ở mức 6,0-9,0%/năm đối với ngắn hạn; 9,0-11%/năm đối với trung và dài hạn. Con số này không thay đổi trong vài năm trở lại đây. Thậm chí trên thị trường, một số khoản vay như vay bất động sản, lãi suất còn có xu hướng tăng kể từ đầu năm, do việc siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn.

Theo các chuyên gia, ngoài các lĩnh vực ưu tiên thì lãi suất thời điểm này sẽ khó hạ vì thực tế lãi suất ngân hàng phụ thuộc nhiều vấn đề. Mà theo như chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực, điều đầu tiên là phụ thuộc lãi suất đầu vào.

“Hiện lãi suất huy động vẫn ở mức 7-8%/năm, trong khi lãi suất cho vay bình quân của chúng ta đang trong khoảng 9-10%/năm, chênh lệch cao nhất chỉ khoảng 3%. Đây là mức trung bình trong khu vực, thậm chí một số nước như Singapore, Philippine, Indonesia... còn trên 3%” – vị chuyên gia cho biết.

Thứ hai là kỳ vọng lạm phát Việt Nam vẫn cao, năm nay vào khoảng 3,5-4%. Thứ ba là rủi ro nền kinh tế nói chung và rủi ro các doanh nghiệp Việt Nam theo xếp hạng của nước ngoài vẫn còn tương đối rủi ro (hệ số tín nhiệm Việt Nam đang là BB).

“Với thứ hạng này thì các nhà đầu tư nước ngoài vẫn coi Việt Nam là thị trường đầu cơ chứ chưa phải đầu tư. Mà theo quy luật kinh tế, rủi ro cao thì lợi nhuận phải cao để bù đắp rủi ro đó” – TS Cấn Văn Lực nói.

Nguyên nhân thứ tư khiến lãi suất cho vay của các ngân hàng khó giảm là chi phí giao dịch của nền kinh tế Việt Nam còn rất cao, một phần do chi phí không chính thức.

Cuối cùng, theo quan điểm của vị chuyên gia, hiện lãi suất ngân hàng không phải điểm nghẽn đối với doanh nghiệp nữa, vì vậy việc giảm mặt bằng lãi suất không phải là vấn đề cấp thiết.

“Tăng  trưởng tín dụng vẫn ở con số 14%, dù bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát, nếu không kiểm soát thì thậm chí còn tăng cao hơn nữa. Điều này có nghĩa là lãi suất không phải điểm nghẽn trong vấn đề vay vốn của doanh nghiệp mà điểm nghẽn đang nằm ở hoạt động sản xuất, kinh doanh, sự minh bạch, tài sản bảo đảm của doanh nghiệp...” – TS Cấn Văn Lực nêu quan điểm.