Lợi nhuận ngân hàng sụt giảm

ANTĐ - Báo cáo tài chính quý III của các ngân hàng cho thấy lợi nhuận của nhiều ngân hàng bị giảm sút, thậm chí bị lỗ. Tính chung 9 tháng đầu năm, sự phân hóa về lợi nhuận cũng khá rõ ràng, có ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch nhưng cũng có ngân hàng lợi nhuận chỉ ở mức khiêm tốn. 

Lợi nhuận ngân hàng sụt giảm  ảnh 1Nhiều ngân hàng đang đẩy mạnh hoạt động bán lẻ, hướng tới khách hàng cá nhân

Chi phí tăng, lợi nhuận giảm

Theo báo cáo tài chính của Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) công bố, trong quý III, ngân hàng lỗ 66 tỷ đồng trước thuế và lỗ 76 tỷ đồng sau thuế. Lợi nhuận 9 tháng cũng chỉ đạt 220 tỷ đồng trước thuế và 149 tỷ đồng sau thuế, sụt giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2013. Nguyên nhân được xác định là do tín dụng của ngân hàng đến cuối tháng 9-2014 vẫn tăng trưởng âm 0,54%. Các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh không mấy khả quan. Mặt khác, chi phí hoạt động của DongA Bank trong quý III năm nay là 372 tỷ đồng, tăng 100 tỷ đồng (khoảng 34,3%) so với cùng kỳ năm trước. Chi phí hoạt động 9 tháng tương đương cùng kỳ, ở mức hơn 1.000 tỷ đồng. Ngoài ra, mức trích dự phòng rủi ro của ngân hàng trong quý III là 139 tỷ đồng cao gần gấp đôi so với lợi nhuận kiếm được. 

Báo cáo của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng cho thấy, lợi nhuận trước thuế quý III của Eximbank đạt 283,06 tỷ đồng, giảm 29% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 218,97 tỷ đồng, giảm 26,6% so với cùng kỳ. Theo giải trình của Eximbank, lợi nhuận sau thuế quý III chủ yếu do lãi thuần từ hoạt động khác trong quý III giảm tới 98,87% so với cùng kỳ. Đáng chú ý là chi phí dự phòng rủi ro tăng gần 12% lên 84,5 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng năm 2014, lãi trước thuế của Eximbank đạt 946,77 tỷ đồng (giảm 18,04% so với cùng kỳ) và lợi nhuận sau thuế đạt 733,96 tỷ đồng (giảm 16,6% so với cùng kỳ).

Ghi nhận tại báo cáo của một số ngân hàng khác cũng cho thấy lợi nhuận giảm đáng kể. Ví dụ như, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) có mức lãi sau thuế quý III là 43,4 tỷ đồng (giảm 16%) và lãi sau thuế 9 tháng là 166 tỷ đồng giảm 34%. Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), lợi nhuận sau thuế quý III đạt 264 tỷ đồng (giảm 34 %) và 9 tháng giảm là 837 tỷ đồng (giảm 25%)...

Về phía các ngân hàng TMCP Nhà nước, Ngân hàng TMCP Công Thương (VietinBank) có kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm khá khả quan. Cụ thể, lợi nhuận lũy kế 9 tháng ở mức 5.480 tỷ đồng, đạt 75,2% so với kế hoạch đề ra, dẫn đầu về lợi nhuận trong hệ thống ngân hàng.

Tập trung vào bán lẻ

Kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2014 của các ngân hàng cũng cho thấy, mặc dù tình hình khó khăn nhưng vẫn có những ngân hàng “ngấp nghé” cũng như hoàn thành sớm chỉ tiêu lợi nhuận cho cả năm. 

Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết, tính đến 30-9, lợi nhuận lũy kế 9 tháng sau khi đã trích đầy đủ dự phòng rủi ro đạt 447 tỷ đồng, bằng 102% mức kế hoạch 438 tỷ đồng mà Đại hội đồng Cổ đông của ngân hàng đã đề ra từ đầu năm.

Sau 9 tháng, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank) đã đạt 98,5% mục tiêu lợi nhuận cả năm 2014, với 1.163 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (tăng 55,1% so với cùng kỳ). Ông Đỗ Tuấn Anh - quyền Tổng giám đốc Techcombank cho biết, đạt kết quả khả quan như trên là nhờ ngân hàng chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, thiết kế các sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường, đặc biệt cho phân khúc khách hàng cá nhân, hộ gia đình. Ngân hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh hoạt động bán lẻ, tăng trưởng tín dụng khối cá nhân, trong đó chú trọng cho vay mua nhà thông qua việc hợp tác với nhiều dự án bất động sản. 

Việc phải xử lý nợ xấu cũng như yêu cầu về trích lập dự phòng rủi ro khiến lợi nhuận của nhiều ngân hàng sụt giảm. Chưa kể, việc cơ cấu lại lãi suất cho các khoản vay cũ cũng tác động tới kết quả kinh doanh của các ngân hàng. Tuy nhiên, tình hình kinh tế đang được cải thiện, cơ hội cho doanh nghiệp cũng như ngân hàng sẽ có những chuyển biến trong thời gian tới.