Lời khuyên của chuyên gia: Nên chờ nhịp hồi phục để giảm tỷ trọng nắm giữ chứng khoán

ANTD.VN - Chỉ trong vòng hơn nửa tháng, VN-Index bị “thổi bay” xấp xỉ 15%, từ hơn 1.200 điểm về quanh mức 1.050 điểm. Những thành quả gặt hái từ đầu năm của nhà đầu tư bỗng chốc bị “thổi bay”.

Nhiều nhà đầu tư đang hoảng loạn trước những diễn biến bất thường của thị trường chứng khoán Việt Nam

Thị trường đảo chiều, lao dốc

Thị trường chứng khoán Việt Nam mở đầu năm mới với hàng loạt tín hiệu đáng mừng khi    VN-Index chạm ngưỡng 1.050 điểm. Đà hưng phấn lan tỏa trong suốt những tháng đầu năm với chỉ vài nhịp điều chỉnh không quá lớn. Thị trường lần lượt chinh phục các ngưỡng kỷ lục đã từng đạt được và thiết lập kỷ lục mới khi VN-Index vượt qua ngưỡng 1.200 điểm cách đây gần 20 ngày. 

Tuy nhiên, sau đó là những phiên giảm điểm gần như liên tục với diễn biến trong phiên giảm sâu - tăng bất chợt - đảo chiều lao dốc..., VN-Index mất từ vài chục đến xấp xỉ 50 điểm mỗi phiên. VN-Index đóng cửa trước kỳ nghỉ lễ với 1.050 điểm.

Nhóm cổ phiếu giảm giá mạnh nhất đến từ các cổ phiếu ngân hàng và nhóm cổ phiếu vốn    hóa lớn như VIC (Vingroup), VCB (Vietcombank), VJC (VietJetAir)...  Đây là lý do khiến VN-Index bị kéo tuột không còn điểm níu. Kể từ sau khủng hoảng năm 2009 đến nay, hiếm khi nào mà các mã cổ phiếu vốn hóa lớn “nằm sàn” la liệt như hiện nay, thậm chí nhiều cổ phiếu trắng bên mua.

“Các nhà đầu tư đang nắm tỷ trọng cổ phiếu cao không nên bán tháo mà ưu tiên chờ các nhịp hồi phục để giảm tỷ trọng nắm giữ. Đối với các nhà đầu tư có tiền mặt cũng nên hạn chế “bắt đáy”, trừ những nhà đầu tư ưa mạo hiểm. Những nhà đầu tư thận trọng có thể chờ ở vùng 975 điểm, “bắt đáy” thời điểm này chưa hết rủi ro”.

Chuyên gia  Đinh Thế Minh (Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta)

Đa phần các nhà đầu tư nhỏ lẻ đang không hiểu chuyện gì đã xảy ra, trong khi thị trường đang có hàng loạt yếu tố hỗ trợ như tình hình vĩ mô diễn biến thuận lợi; lạm phát thấp, tăng trưởng được dự đoán và có cơ sở tăng ở mức khá cao. Đặc biệt, ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, những con số khả quan đã được chốt trong báo cáo tài chính năm 2017 và quý I-2018. Sự hốt hoảng của các nhà đầu tư nhỏ lẻ càng khiến thị trường trở nên nhiễu loạn, tranh bán cắt lỗ, rồi lại tranh mua khi thấy cổ phiếu hồi phục, rồi lại hoảng hốt bán ra khi phút chốc cổ phiếu lại “nằm sàn”... 

Đánh giá về thị trường chứng khoán những phiên gần đây, chuyên gia Đinh Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta cho rằng diễn biến những ngày qua của thị trường không còn là những “nhịp điều chỉnh” nữa, mà là những nhịp giảm ngắn hạn với những phiên giảm lên đến hơn 40 điểm. 

Nhóm cổ phiếu ngân hàng và một số cổ phiếu vốn hóa lớn giảm mạnh là dễ hiểu, vì từ đầu năm đến nay nhóm cổ phiếu này tăng rất “nóng”, một số cổ phiếu tăng tới 30-40% không tương thích với sự tăng trưởng kết quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. 

Đà giảm đã đến hồi kết thúc?

Nhận định về xu hướng thị trường trong ngắn hạn, đa phần các chuyên gia đều cho rằng đà giảm của VN-Index sẽ chưa dừng lại tại thời điểm này. 

Chuyên gia Đinh Thế Minh cho rằng, thông thường sau những nhịp giảm quá đà thì sẽ xuất hiện những nhịp hồi phục. “Nhưng đà giảm đã kết thúc chưa, theo tôi thì chưa có dấu hiệu kết thúc. Cá nhân tôi đang chờ đợi ngưỡng hỗ trợ 975 điểm. Hồi tháng 2 thị trường cũng giảm về ngưỡng này, do ảnh hưởng của thị trường thế giới nhưng sau đó hồi phục mạnh mẽ lên ngưỡng 1.200 điểm. Vì vậy, tôi nghĩ 975 điểm sẽ là ngưỡng hỗ trợ đáng tin cậy”.

Cùng chung nhận định đà giảm của thị trường sẽ còn tiếp tục giảm, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng tương quan cung cầu ở các cổ phiếu sẽ tạm thời cân bằng trở lại nếu thị trường giảm về vùng hỗ trợ tâm lý 1.000 điểm.

“Sau khi xuyên thủng đường SMA100, chỉ số có thể sẽ xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật để thử thách lại đường trung bình này (tương ứng vùng 1.060-1.070 điểm) trong một vài phiên kế tiếp. Tuy nhiên, nếu đường SMA100 bị xuyên thủng thì chỉ số nhiều khả năng sẽ giảm về vùng đáy tháng 2-2018 tương ứng quanh 1.000 điểm trong ngắn hạn. Vùng kháng cự gần của chỉ số nằm tại 1.130-1.135 điểm và 1.160-1.170 điểm. Vùng hỗ trợ gần của chỉ số nằm tại 994-1.010 điểm” - báo cáo của BVSC nhận định.

Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) chung nhận định các tín hiệu đang củng cố xu hướng giảm, áp lực điều chỉnh đang khá mạnh. “Chỉ số có thể tiếp tục suy giảm về thử thách các ngưỡng hỗ trợ thấp hơn, như ngưỡng 1.029 điểm, không loại trừ ngưỡng tâm lý 1.000 điểm có thể sẽ được chỉ số kiểm định lại. Đối với sàn Hà Nội, HNX-Index có diễn biến tương tự... Ngưỡng hỗ trợ tiếp theo có thể là vùng 116,5 điểm”.

Tương tự, Công ty Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) cũng cho rằng tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn của chỉ số tiếp tục là tiêu cực với vùng kháng cự trong khoảng 1.080- 1.110 điểm và ngưỡng hỗ trợ tâm lý mạnh tại 1.000 điểm. “Tín hiệu kỹ thuật trung hạn của chỉ số chuyển từ trung tính xuống tiêu cực với vùng kháng cự trong khoảng 1.065-1.130 điểm. Về xu hướng dài hạn, VN-Index tiếp tục vận động trong thị trường giá lên (bull market) với ngưỡng hỗ trợ tại 940 điểm” - báo cáo của SHS dự đoán.

Nên giữ hay nên bán?

Cùng với những dự đoán nhìn chung là thống nhất bên trên, các chuyên gia cũng cho rằng về dài hạn thì thị trường chứng khoán Việt Nam chưa đáng lo lắng. 

Chuyên gia Đinh Thế Minh cho rằng cần phải kiểm tra thử ở các ngưỡng hỗ trợ thì mới đánh giá thị trường có tăng trở lại hay không. Tuy nhiên, đà bán tháo là không nên, sẽ càng khiến thị trường nhiễu loạn hơn. “Theo tôi, các nhà đầu tư đang nắm tỷ trọng cổ phiếu cao không nên bán tháo mà ưu tiên chờ các nhịp hồi phục để giảm tỷ trọng nắm giữ” - chuyên gia này khuyến cáo - “Đối với các nhà đầu tư có tiền mặt cũng nên hạn chế “bắt đáy”, trừ những nhà đầu tư ưa mạo hiểm. Những nhà đầu tư thận trọng có thể chờ ở vùng 975 điểm, “bắt đáy” thời điểm này chưa hết rủi ro”.

Riêng đối với các nhà đầu tư sử dụng margin (giao dịch ký quỹ) thì nên tận dụng các nhịp phục hồi để bán bớt. “Đến thời điểm này vẫn để margin thì cực kỳ rủi ro. Tuy nhiên, quan sát thị trường cho thấy các nhà đầu tư cũng đã chủ động giảm margin. Hàng loạt cổ phiếu vốn hóa lớn “nằm sàn la liệt”, thậm chí trắng bên mua cho thấy lượng lớn margin đã tháo ra khỏi thị trường” - chuyên gia Đinh Thế Minh nhận định.

Nhìn nhận về dài hạn, các chuyên gia cho rằng các yếu tố vĩ mô vẫn đang hỗ trợ thị trường. Một số thông tin cho rằng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) liên tục tăng lãi suất có thể khiến dòng tiền bị rút khỏi các thị trường mới nổi, điều này là có cơ sở nhưng không đáng ngại với thị trường Việt Nam. 

Cụ thể, theo quy luật, việc FED tăng lãi suất có thể khiến đồng USD mạnh lên gây áp lực lên các đồng tiền ở các thị trường mới nổi, khiến các nhà đầu tư, nhất là các quỹ đầu tư sẽ rút tiền khỏi các thị trường này. Tuy nhiên, đồng Việt Nam được dự đoán là sẽ ổn định so với các đồng tiền khác, do chính sách tiền tệ linh hoạt, cùng với đó, nền kinh tế vĩ mô đủ sức chống cự với áp lực này, cán cân thương mại nước ta đang thặng dư khá lớn... Vì vậy, trong năm 2018 sẽ khó xảy ra làn sóng rút vốn ồ ạt của các quỹ đầu tư quốc tế.