Lợi dụng tạm nhập tái xuất để buôn lậu ngày càng tinh vi, trắng trợn

ANTD.VN - Tội phạm vận chuyển ma túy qua đường chuyển phát nhanh và lợi dụng hình thức quá cảnh, tạm nhập tái xuất để buôn lậu diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi.

Tổng cục Hải quan cho biết, tính đến 15/12/2017, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 15.184 vụ vi phạm pháp luật; trị giá hàng hóa vi phạm hơn 789,5 tỷ đồng (tăng 89,58%); thu nộp ngân sách hơn 334,8 tỷ đồng (tăng 95%). Đáng chú ý là số vụ việc do cơ quan hải quan đã khởi tố lên tới 51 vụ; chuyển cơ quan khác kiến nghị khởi tố 68 vụ.

Ông Võ Quang Khánh, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan cho biết các đối tượng vi phạm hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, táo bạo, tổ chức thành đường dây, ổ nhóm để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa vào Việt Nam.

Tại tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, nổi lên các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm, hàng tạm nhập tái xuất, hàng bách hóa tiêu dùng... như: ma túy, ngoại tệ, tiền giả, pháo, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, đường, gia cầm, thực phẩm, quần áo, giày dép, điện thoại di động, đồ chơi trẻ em...

Bên cạnh đó, hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên tuyến đường biển, các cảng biển quốc tế tập trung vào các mặt hàng như: xăng, dầu, gỗ, khoáng sản, động thực vật hoang dã, đồ điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng...

Hình thức buôn lậu thông qua hình thức kinh doanh tạm nhập tái xuất ngày càng tinh vi, phức tạp

Tại các cửa khẩu cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế đáng chú ý là hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm, hàng nhỏ gọn, có giá trị cao, dễ cất giấu như: ma túy, vũ khí, vàng, sản phẩm của động vật hoang dã, điện thoại, thuốc lá, rượu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng...

Đáng nói, tội phạm vận chuyển ma túy qua đường chuyển phát nhanh và lợi dụng hình thức quá cảnh, tạm nhập tái xuất để buôn lậu diễn biến ngày càng phức tạp, tinh vi. Trong năm 2017, cơ quan hải quan đã phát hiện, bắt giữ 25 vụ vận chuyển ma túy qua chuyển phát nhanh, bắt 6 đối tượng, bóc gỡ một số đường dây ma túy chuyển qua đường chuyển phát nhanh do các đối tượng người Việt Nam cầm đầu.

Đối với buôn lậu qua hình thức trung chuyển, quá cảnh, tạm nhập tái xuất điển hình như vụ lợi dụng hình thức quá cảnh của Công ty TNHH vận tải thương mại dịch vụ Triệu Hiển để “rút ruột” lô hàng 180 chiếc điện thoại iPhone 7 và iPhone 7 plus quá cảnh sang Campuchia thành lô hàng chỉ còn 1 chiếc điện thoại iPhone 7, 1 chiếc điện thoại iPhone 7 plus và có thêm 16 thùng kem đánh răng, 2 thùng dầu gội đầu...

Theo lãnh đạo Cục Điều tra chống buôn lậu lợi dụng quá cảnh, trung chuyển, tạm nhập tái xuất là một hình thức buôn lậu mới ngày càng phức tạp, tinh vi.

“Quá cảnh, trung chuyển, tạm nhập tái xuất là phương thức kinh doanh phổ biến, tuy nhiên vì đích đến không phải Việt Nam, mà qua Việt Nam sang quốc gia khác, nên chính sách quản lý cũng thông thoáng hơn. Tuy nhiên, lợi dụng sự thông thoáng này cùng với việc cơ quan chức năng quản lý ngày càng chặt hoạt động buôn lậu nên nhiều đối tượng đã lợi dụng tạm nhập tái xuất để buôn lậu.

Trước đây hoạt động này nhỏ lẻ, nhưng sau có quy mô ngày càng lớn mà vụ 213 container “biến mất” ở Cảng Cát Lái là điển hình. Chúng tôi đã tham mưu với các cấp lãnh đạo để có biện pháp quản lý tốt hơn” - ông Võ Quang Khánh cho biết.