Lợi dụng sự thông thoáng chính sách, hàng chục nghìn doanh nghiệp nợ thuế, "mất hút"

ANTD.VN - Bộ Tài chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu hoàn thiện cơ chế thành lập, quản lý doanh nghiệp để khắc phục tình trạng doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng trong thủ tục thành lập, tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản doanh nghiệp để gian lận trốn thuế.

Bộ Tài chính mới đây có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến việc cung cấp thông tin, phối hợp quản lý doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ Tài chính cho biết, thời gian vừa qua có xuất hiện tình trạng các đối tượng lợi dụng việc thông thoáng trong thủ tục về thành lập, kinh doanh, tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản doanh nghiệp… để thành lập điều hành nhiều doanh nghiệp hoạt động hoặc lợi dụng việc tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản doanh nghiệp để gian lận trốn thuế, chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước.

Bộ Tài chính dẫn số liệu từ Tổng cục Hải quan về doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu trong năm 2015 và 2016, có 49 doanh nghiệp có thời gian hoạt động xuất nhập khẩu dưới 1 năm kể từ ngày thành lập và có thông báo tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản.

Nhiều doanh nghiệp lợi dụng sự thông thoáng trong thủ tục để gian lận thuế

Có hơn 1.000 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh và không còn hoạt động xuất nhập khẩu trong thời hạn 6 tháng trở lên, tính từ thời điểm hoạt động xuất nhập khẩu lần cuối.

Có gần 15.400 doanh nghiệp không có hoạt động xuất nhập khẩu từ 6 tháng trở lên mà không thông báo với cơ quan chức năng việc tạm ngừng, ngừng hoạt động, trong khi thông tin của doanh nghiệp trên hệ thống là “đang hoạt động”.

Đặc biệt, có 24 doanh nghiệp vi phạm bị cơ quan hải quan phát hiện, ban hành quyết định ấn định thuế, yêu cầu doanh nghiệp nộp hồ sơ bổ sung tiền thuế. Tuy nhiên, để trốn tránh trách nhiệm nghĩa vụ thuế, các doanh nghiệp này đã bỏ địa chỉ kinh doanh, thông báo giải thể, phá sản hoặc đăng ký tạm ngừng, ngừng hoạt động.

Có 8 doanh nghiệp còn đang nợ 12,5 tỷ đồng tiền thuế xuất nhập khẩu và không có thông tin xác nhận nợ thuế tại cơ quan hải quan nhưng có thông tin đã giải thể trên hệ thống dữ liệu quốc gia. 180 doanh nghiệp tạm ngừng, ngừng hoạt động, giải thể, phá sản có thông tin vi phạm pháp luật hải quan bị xử phạt hành chính với số tiền là 3,4 tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, các đối tượng thường sử dụng phương thức thủ đoạn đứng tên hoặc thuê người đứng tên thành lập nhiều doanh nghiệp cùng tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Sau thời gian hoạt động nếu thấy có nguy cơ bị phát hiện gian lận thì tạm ngừng hoạt động và chuyển sang hoạt động doanh nghiệp khác, hoặc sử dụng đồng thời hoặc luân phiên các doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu nhằm né tránh sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan hải quan. Hoặc khi bị cơ quan chức năng phát hiện vi phạm thì ngừng hoạt động, bỏ địa chỉ kinh doanh để trốn tránh nghĩa vụ thuế hoặc trách nhiệm pháp lý…

Do đó, Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu hoàn thiện cơ chế thành lập, quản lý doanh nghiệp để khắc phục tình trạng doanh nghiệp lợi dụng gian lận.

Thời gian chưa xây dựng được cơ chế phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ quản lý doanh nghiệp, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổng cục Hải quan cung cấp thông tin, xác minh 8 doanh nghiệp còn nợ thuế, theo dõi 24 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, ngừng hoạt động nhưng vẫn còn nợ thuế xuất nhập khẩu, cùng nhiều doanh nghiệp đang nằm trong diện theo dõi nói trên.