Lo ngại tình trạng "té nước" theo giá xăng

ANTD.VN - Xăng tăng giá mạnh khi chỉ còn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán khiến người tiêu dùng lo ngại về việc giá cả sẽ tăng theo.

Theo khảo sát của phóng viên cho thấy, hiện nay, mặt bằng giá cả vẫn tương đối ổn định. Tuy nhiên, không ít tiểu thương và nhà bán lẻ lo lắng khi xăng dầu tăng giá mạnh trùng với thời điểm hoạt động cung ứng hàng hóa Tết vào cao điểm. 

Lo ngại tình trạng "té nước" theo giá xăng ảnh 1Việc tăng giá xăng dầu khiến người tiêu dùng lo lắng giá cả dịp Tết sẽ tăng

Giá cả chưa biến động

Tại các chợ bán lẻ Hà Nội, giá cả thực phẩm, rau xanh hiện vẫn tương đối ổn định. Theo các tiểu thương, do thời tiết cuối năm khá thuận lợi nên nguồn cung rau quả tương đối dồi dào, vì vậy giá cả chưa tăng. Tuy nhiên, theo chu kỳ, sang đến tháng 12 âm lịch, hàng hóa sẽ đồng loạt tăng, nhất là các mặt hàng như thịt lợn, thủy hải sản, thịt gà, thịt bò…

Các loại hoa quả và hoa tươi chắc chắn cũng sẽ tăng nhiều để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết. “Hiện tại, chưa thấy hàng hóa ở chợ đầu mối tăng giá, nhưng khoảng chục ngày nữa thì chưa biết thế nào, vì bình thường hàng Tết bao giờ cũng tăng giá chút ít, cộng với việc giá xăng tăng, chi phí vận chuyển cũng sẽ tăng lên” - chị Đào Thị Hiên, một tiểu thương ở chợ Xanh (Định Công, Hoàng Mai) cho biết. 

Tại chuỗi siêu thị Fivimart, hiện giá hàng hóa chưa có dấu hiệu biến động khi giá xăng vừa điều chỉnh tăng mạnh. Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam - doanh nghiệp sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart cho biết, dự kiến nhu cầu mua sắm hàng Tết sẽ tăng từ 10-20% so với cùng kỳ, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống có thể tăng tới 30%. Dù vậy, Fivimart sẽ cố gắng giữ mức giá ổn định như ngày thường, trừ các mặt hàng rượu bia, bánh kẹo nhập khẩu có thể tăng do thay đổi tỷ giá. 

Trong khi đó, đại diện Big C khẳng định, sẽ tiếp tục triển khai chương trình “khóa giá” truyền thống. Theo đó, từ ngày 13-12-2016 đến 27-1-2017, sẽ không tăng giá hàng bán Tết. “Giá không đổi này sẽ được giữ cố định như đã niêm yết trong suốt thời gian khóa giá, ngay cả khi giá tham khảo của các sản phẩm này trên thị trường có biến động tăng dù bất cứ lý do gì. Thậm chí, trường hợp giá tham khảo của những sản phẩm này trên thị trường có biến động giảm, giá không đổi này sẽ được điều chỉnh giảm” - bà Nguyễn Thanh Huyền, Trưởng phòng truyền thông Big C Thăng Long cho biết.

Phụ thuộc nhà cung cấp

Tuy nhiên, đại diện Big C Thăng Long vẫn bỏ ngỏ khả năng biến động giá đối với các mặt hàng rau củ quả, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đông lạnh, bia rượu, sữa và sản phẩm từ sữa. 

Tương tự, đại diện một hệ thống siêu thị khác cũng cho rằng rất khó để khẳng định các mặt hàng dịp Tết sẽ ổn định, nhất là rau củ, thực phẩm tươi sống vì còn phụ thuộc vào nhà cung cấp và nguồn cung. “Rau củ, thực phẩm tươi sống phải vận chuyển từ nhiều địa phương khác nhau, vì vậy giá xăng tăng chắc chắn sẽ gây áp lực lên nhà cung cấp và nhà phân phối” - đại diện hệ thống siêu thị này cho biết.

Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, doanh nghiệp này đã đặt hàng các cơ sở cung ứng nhưng chưa thanh toán và chưa nhận hàng. Để duy trì mức giá hợp lý, Hapro sẽ thương thảo với các nhà cung cấp, đồng thời cắt giảm mọi chi phí để cố gắng kìm giữ giá hàng. Trong dịp Tết Nguyên đán, các mặt hàng thiết yếu sẽ được Hapro bán theo chương trình bình ổn giá. 

Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội, xăng dầu chiếm đến 20% trong giá thành hàng hóa. Do đó, giá xăng dầu tăng mạnh sẽ khiến giá thành vận chuyển tăng nên giá hàng hóa cũng có nguy cơ tăng theo. 

Tuy nhiên, ông Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, giá xăng chỉ tác động rất nhỏ tới giá hàng hóa. Vì theo thông lệ, cứ đến cuối năm dù giá xăng có tăng hay không thì giá hàng hóa vẫn tăng dù chính quyền đã rất nỗ lực bình ổn giá. Năm nay, theo chỉ đạo của Sở Công Thương Hà Nội, các doanh nghiệp phải ổn định về giá, không tăng giá quá 5% trong dịp Tết.