Lo ngại mua được thuốc giá rẻ nhưng chưa chắc đã tốt

ANTĐ -  Sau gần 3 năm thực hiện Thông tư liên tịch số 01/2012//TTLT-BYT-BTC về đấu thầu thuốc, giá thuốc trúng thầu vào các bệnh viện đã giảm đáng kể, có nơi giảm tới 30%, song lại xuất hiện lo ngại về việc thuốc giá rẻ kém chất lượng lấn át. 

Chất lượng thuốc quyết định 60-80% 

Theo Luật Đấu thầu (có hiệu lực từ 1-7-2014) và Nghị định 63 hướng dẫn thi hành luật mới được ban hành, việc đấu thầu thuốc có rất nhiều đổi mới. Trong đó, điểm nhấn quan trọng là thuốc được đấu thầu sẽ được chia theo tiêu chí kỹ thuật một cách đầy đủ, minh bạch, với tiêu chuẩn để đánh giá theo thang điểm 100 hoặc 1.000. Chất lượng thuốc được chấm chiếm tỷ lệ từ 60-80% tổng số điểm trúng thầu; đóng gói, bảo quản và giao hàng chiếm từ 20-40%. 

Hiện, việc áp dụng Thông tư liên tịch số 01 do liên Bộ Y tế - Tài chính ban hành (có hiệu lực từ 1-6-2012) đã góp phần giảm giá thuốc thông qua cơ chế đấu thầu công khai nhưng bên cạnh đó cũng bộc lộ một số hạn chế. Điều 16 của Thông tư này quy định, mỗi nhóm thuốc chỉ được xét trúng thầu một mặt hàng, ngoài các tiêu chí như đạt yêu cầu kỹ thuật, chất lượng quy định thì ưu tiên mặt hàng có giá thấp nhất trong nhóm thuốc đó. Thực tế triển khai quy định này khiến nhiều bệnh viện lo ngại mua được thuốc giá rẻ nhưng chưa chắc đã tốt. 

Theo TS Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, trong năm 2015, liên Bộ Y tế - Tài chính sẽ ban hành thông tư mới hướng dẫn việc đấu thầu thuốc thay thế cho thông tư 01, 36, 37. Cục trưởng Cục Quản lý Dược nhấn mạnh, giá thuốc cao hay thấp là phụ thuộc vào các nhóm thuốc khác nhau, chẳng hạn như nhóm biệt dược, thuốc phát minh thì đương nhiên phải có giá cao, nhưng dù giá cao hay thấp thì chất lượng thuốc phải đảm bảo. 

Khắc phục tình trạng mỗi nơi một giá

Một điểm mới nữa quy định trong Luật Đấu thầu và Nghị định 63 hướng dẫn thi hành luật này là những thuốc có tỷ trọng sử dụng cao trong các bệnh viện sẽ được chọn để đấu thầu tập trung ở cấp trung ương. TS Trương Quốc Cường cho biết, để thực hiện việc này, Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bảo Hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để thành lập Hội đồng đấu thầu tập trung. Cùng đó, Bộ Y tế sẽ ban hành danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc mua tập trung và danh mục các thuốc áp dụng hình thức đàm phán giá. Đồng thời xây dựng lộ trình và hướng dẫn mua thuốc tập trung ở cấp quốc gia, cấp địa phương; bảo đảm từ năm 2016 thực hiện trên phạm vi toàn quốc. 

Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý Dược, khi đấu thầu tập trung sẽ khắc phục được tình trạng mỗi nơi một một giá và sự chênh lệch giá thuốc giữa các đơn vị đấu thầu. Tuy vậy, để thực hiện tốt thì việc đấu thầu thuốc tập trung sẽ có lộ trình, tùy theo năng lực của Hội đồng tư vấn Quốc gia về đấu thầu thuốc.