Lo hàng ngoại tràn vào Việt Nam

ANTĐ - Các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam vừa ký kết đều có đặc điểm chung là dỡ bỏ hàng rào thuế quan. Khi “bức tường” lớn nhất bị dỡ bỏ, hàng nhập khẩu có thể sẽ tràn ngập thị trường Việt Nam, đe dọa sản xuất trong nước.
Lo hàng ngoại tràn vào Việt Nam ảnh 1

Hàng nhập khẩu có thể tràn ngập thị trường Việt Nam, đe dọa sản xuất trong nước                   (Ảnh minh họa)

Hệ quả tất yếu

TS Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho biết: “Với các FTA và TPP, dỡ bỏ thuế quan vẫn là nội dung chính. Khi các đối tác thương mại thường xuyên của Việt Nam đã bỏ thuế, hàng nhập khẩu vào Việt Nam rất dễ dàng, số lượng tăng đột biến, gây thiệt hại cho sản xuất trong nước là điều có thể nhìn thấy”.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang dẫn chứng, theo kết quả điều tra 1.000 doanh nghiệp, có tới hơn 50% doanh nghiệp dự báo khả năng hàng hóa nước ngoài nhập khẩu ồ ạt, đột biến vào Việt Nam. Trong đó, 30,48% doanh nghiệp cho rằng có một số loại hàng ngoại đã ồ ạt vào Việt Nam; 9,52% doanh nghiệp cho rằng có nhiều loại hàng; 12,38% cho rằng không có hoặc có nhưng rất ít. Chỉ 1,9% doanh nghiệp được hỏi khẳng định không có hàng nhập khẩu ồ ạt vào Việt Nam. 

Không chỉ đưa hàng vào, doanh nghiệp nước ngoài còn có thể có hành vi cạnh tranh không lành mạnh tại thị trường Việt Nam. “Chúng tôi đã thống kê, năm 2014, có 4/5 mặt hàng Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất là: kính nổi, dầu thực vật, thép không gỉ và bột ngọt là những mặt hàng bị kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất trên thế giới. Trong số 10 quốc gia, vùng lãnh thổ bị kiện phòng vệ thương mại nhiều nhất thế giới, có đến 9 thị trường là đối tác thương mại mà Việt Nam đã mở cửa thị trường. 50-70% hàng hóa của họ bị kiện. Chẳng có gì buộc họ phải cạnh tranh lành mạnh ở Việt Nam” - bà Nguyễn Thị Thu Trang nói.

Để ngăn chặn tình trạng này, TS Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại như: chống bán phá giá, tự vệ, chống trợ cấp… Đây cũng chính là một trong những công cụ bảo vệ sản xuất nội địa được sử dụng phổ biến trên thế giới.

Không dễ phòng vệ  

Theo Trung tâm WTO và hội nhập, để áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại thì doanh nghiệp Việt Nam cần tập hợp được lực lượng, nguồn lực, nhân lực và bằng chứng. Tuy nhiên, cả 4 điều kiện này đều không dễ thực hiện. Khảo sát của trung tâm này cho thấy, 71% doanh nghiệp Việt Nam cho rằng, tập hợp lực lượng để khởi kiện phòng vệ thương mại là khó. Phần lớn doanh nghiệp cũng cho rằng, huy động nguồn lực, tập hợp nhân lực, bằng chứng không dễ dàng.

Thực tế này lý giải vì sao hàng hóa Việt Nam bị nước ngoài kiện nhiều nhưng biện pháp tương tự Việt Nam áp dụng với hàng nhập khẩu thì lại quá ít. “Trung bình, doanh nghiệp nước ngoài kiện doanh nghiệp Việt Nam 19 lần thì doanh nghiệp Việt Nam chỉ kiện 1 lần. Về kết quả, họ thành công 23 lần, Việt Nam mới thành công được 1 lần. Nguyên nhân là do doanh nghiệp Việt Nam còn yếu cả về nhân lực, vật lực. Các doanh nghiệp trong cùng một hiệp hội có thể cũng mâu thuẫn về lợi ích nên không tìm được sự đồng thuận”- bà Nguyễn Thị Thu Trang chia sẻ.

Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, Bộ này đang xem xét để có hỗ trợ Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với đùi gà Mỹ đông lạnh nhập khẩu vào Việt Nam thời gian qua. Tuy nhiên, không dễ để tập hợp đủ bằng chứng và có đủ kinh phí cho việc khởi kiện này. 

Theo Luật sư Phạm Lê Vinh - Công ty luật ATIM, tâm lý của người Việt Nam cứ nghe đến kiện là ngại. “Trong hoạt động thương mại, doanh nghiệp khởi kiện là bình thường. Đây là giải pháp để doanh nghiệp cạnh tranh với nhau” - ông Phạm Lê Vinh nói. Không những vậy, khả năng hợp tác của doanh nghiệp Việt Nam cũng rất kém trong những trường hợp là bị đơn, nên dễ bị thua. Theo vị luật sư này, cần tăng cường công tác truyền thông để thay đổi nhận thức, hành vi của doanh nghiệp Việt Nam. Đồng thời, nên có nguồn thông tin hỗ trợ trong lĩnh vực này để doanh nghiệp Việt vững vàng hơn khi hội nhập.