Liệu sẽ có làn sóng giảm lãi suất cho vay trên diện rộng?

ANTD.VN - Đầu tháng 8, hàng loạt ngân hàng công bố giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, làn sóng này có lan tỏa và đủ để thiết lập một mặt bằng lãi suất cho vay thấp hơn hiện nay?

Giảm lãi suất cho lĩnh vực ưu tiên

Từ 1/8, nhiều ngân hàng công bố giảm lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên, thời gian giảm đến cuối năm 2019. Theo đó, Vietcombank giảm lãi suất cho vay còn tối đa 5,5%/năm (thấp hơn 1 %/năm so với mức quy định của NHNN) đối với tất cả các khoản cho vay hiện hữu cũng như vay mới thuộc các lĩnh vực ưu tiên như: phát triển nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp khởi nghiệp…

Theo lãnh đạo Vietcombank, việc giảm lãi suất lần này được triển khai trên phạm vi rộng với dư nợ cho vay tương đương 38% dư nợ cho vay ngắn hạn hiện hành và chiếm gần 20% tổng dư nợ cho vay nội tệ hiện hữu của Ngân hàng.

Tương tự, VietinBank giảm 0,5%/năm mức sàn lãi suất cho vay VND ngắn hạn đối với các nhu cầu vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn, theo chuỗi liên kết, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và phục vụ sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

BIDV giảm trần lãi suất cho vay xuống 5,5%/năm đối với 3 nhóm khách hàng ưu tiên. Bên cạnh đó, BIDV còn triển khai 2 gói tín dụng quy mô 70.000 tỷ đồng với lãi suất giảm 0,5%/năm so với hiện nay dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), doanh nghiệp khởi nghiệp.

Các ngân hàng chủ yếu giảm lãi suất với các khoản vay ngắn hạn trong lĩnh vực ưu tiên

ACB dành 3.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi từ 7,5%/năm dành cho doanh nghiệp vừa và nhỏ và chương trình tín dụng kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Tương tự, VPBank cũng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, mức giảm 1%/năm lãi suất với các khoản vay tín chấp và 0,5%/năm đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm.

Khó xảy ra trên diện rộng

Trước đó, hồi đầu năm 4 ngân hàng thương mại Nhà nước cũng đã có một đợt giảm lãi suất đối với các lĩnh vực ưu tiên, theo đó mức trần phổ biến được giảm xuống 6%/năm. Thế nhưng sau đó, lãi suất cho vay không có dấu hiệu hạ nhiệt, thậm chí còn có xu hướng tăng ở một số lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, vay tiêu dùng…

Lần giảm lãi suất này tuy có nhiều ngân hàng tham gia hơn, nhưng lại chủ yếu áp dụng với những khoản vay ngắn hạn và thời gian áp dụng cũng chỉ là 5 tháng cuối năm. Dù vậy, với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và một số ngân hàng trung ương lớn quyết định hạ lãi suất điều hành, nhiều người vẫn kỳ vọng NHNN sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ giúp mặt bằng lãi suất giảm.

Trên thực tế, thanh khoản các ngân hàng thương mại đang khá dồi dào. Tuần qua, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng nhích nhẹ 10 điểm cơ bản (bps) so với cuối tuần trước, nhưng vẫn ở mức thấp: 2,98%/năm với kỳ hạn qua đêm và 3,12%/năm với kỳ hạn 1 tuần.

Trong khi đó, trên thị trường 1 (thị trường dân cư), tại thời điểm cuối tháng 7, một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn điều chỉnh giảm lãi suất ở một số kỳ hạn, nhưng một số NHTM nhỏ khác lại tăng, nhất là ở các kỳ hạn trung và dài hạn. Mức lãi suất hiện tại phổ biến là 4,1%-5,5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, từ 5,5-7,55%/năm với kỳ hạn 6 tháng đến dưới 12 tháng, 6,4-7,9%/năm với kỳ hạn 12 và 13 tháng.

Nhận định về xu hướng lãi suất thời gian tới, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho rằng, diễn biến thuận lợi của tỷ giá và lạm phát giai đoạn vừa qua ủng hộ cho kỳ vọng giảm lãi suất. Tuy nhiên, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung bất ngờ leo thang khiến cho áp lực tỷ giá quay trở lại và sẽ thu hẹp mức lan tỏa của đợt giảm lãi suất lần này.

Về việc Fed giảm lãi suất có tác động đến mặt bằng lãi suất tiền đồng hay không, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nó không tác động trực tiếp và tức thời. Theo vị chuyên gia, hiện lãi suất của Việt Nam đang ở mức tương đối cao, lãi suất cho vay ngắn hạn vẫn ở mức từ 7 - 9%, trung dài hạn ở mức 9 - 11% thì việc Fed chỉ giảm 0,25% lãi suất sẽ không tác động đáng kể.