Liệu đã có thể lạc quan hơn với nợ xấu ngân hàng?

ANTD.VN - Tính đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017.

Mới đây nhất, lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết tỷ lệ nợ xấu nội bảng của ngân hàng này đã giảm xuống còn 1,51%.

Trong năm 2018, Agribank đã thu hồi nợ sau xử lý rủi ro và nợ đã bán VAMC lên tới gần 12.000 tỷ đồng, vượt kế hoạch giao.

Còn kể từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực đến nay, ngân hàng này thu hồi nợ xấu và nợ sau xử lý đạt 89.822 tỷ đồng, riêng trong năm 2018 đạt 66.789 tỷ đồng.

Đặc biệt, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV Agribank còn cho biết, nguồn dự phòng xử lý rủi ro còn lại gần 20.000 tỷ đồng có thể giúp Agribank đủ khả năng mua trước hạn toàn bộ nợ đã bán cho VAMC và xử lý kịp thời các khoản nợ xấu phát sinh nếu có trong năm 2019.

Như vậy, sau Vietcombank, Techcombank, MB, VIB, OCB, Vietinbank, Agribank có thể sẽ là ngân hàng tiếp theo “sạch nợ” tại VAMC. Đáng nói, trước đó Agribank từng là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cũng như lượng nợ xấu bán lại cho VAMC lớn nhất hệ thống.

Vì vậy, với việc ngân hàng này sớm tất toán nợ tại VAMC được coi là một điểm sáng trong xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng.

Nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã có nhiều chuyển biến tích cực

Trên thực tế, việc chủ động mua lại trước hạn nợ xấu tại VAMC trước mắt có thể làm tăng nợ xấu nội bảng tại các ngân hàng, tuy nhiên nó cho thấy các ngân hàng đã tự tin có đủ nguồn lực để xử lý nợ xấu.

Trước đó, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng chính thức xử lý xong toàn bộ nợ bán cho VAMC vào năm 2017. Đến cuối năm 2018, nợ xấu ngân hàng này tăng nhẹ khoảng 7 tỷ so với cuối năm ngoái, tuy nhiên theo Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Quang Dũng, với quy mô tài sản lên tới hơn 1 triệu tỷ đồng thì tỷ lệ nợ xấu tại Ngân hàng này chỉ còn là 0,98%, giảm so với mức 1,14% cuối năm ngoái.

Vietcombank cũng là một trong những ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng lớn nhất hệ thống, với tỷ lệ trích lập dự phòng nợ xấu lên tới gần 170%; đồng thời cũng đã chính thức hoàn thành trước thời hạn chuẩn mực an toàn vốn Basel II theo quy định Thông tư 41.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 12/2018, toàn hệ thống đã xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017.

Mức nợ xấu nội bảng nói trên, theo NHNN là mức thấp nhất kể từ năm 2012 đến nay và đã nằm sâu dưới ngưỡng 2% - ngưỡng mục tiêu trong Nghị quyết số 01 vừa ban hành đầu năm nay.

Theo Phó Chánh Thanh tra cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng Trần Đăng Phi, mục tiêu cụ thể đối với xử lý nợ xấu của NHNN đến cuối năm 2019 là tiếp tục duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng của TCTD ở mức dưới 2% và nợ xấu tiềm ẩn trở thành nợ xấu (gồm nợ xấu, nợ xấu đã bán cho VAMC hiện chưa xử lý được và các khoản nợ cơ cấu lại thời hạn trả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu) dưới 5%...

Mặc dù đã có nhiều tín hiệu rất khả quan trong hoạt động xử lý nợ xấu, nhưng Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng vẫn yêu cầu các ngân hàng phải luôn "để mắt" tới nợ xấu, vì nợ tiềm ẩn thành nợ xấu hiện còn khá cao.

Tính đến cuối năm 2018, tính tổng nợ xấu nội bảng, nợ tiềm ẩn thành nợ xấu và nợ bán cho VAMC vẫn ở mức 6,5%.