Lên tiếng vì quyền được an toàn của người tiêu dùng

ANTĐ - Sáng 20-3, ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội đã đi kiểm tra tình hình thực hiện quyền của người tiêu dùng tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, trong khuôn khổ chương trình “Hành động vì quyền của người tiêu dùng” năm 2016. Lãnh đạo Sở Công Thương yêu cầu, các doanh nghiệp cần quan tâm đến quyền được an toàn của người tiêu dùng, đặc biệt với các loại thực phẩm và hàng hóa thiết yếu.

Lên tiếng vì quyền được an toàn của người tiêu dùng ảnh 1Quyền lực của người tiêu dùng quyết định sự sống còn của doanh nghiệp

Người tiêu dùng  quyết định sự sống của doanh nghiệp

Là khách mua hàng tại siêu thị Big C Thăng Long, ông Nguyễn Duy Bích (nhà ở phố Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân) cho hay: “Gần khu nhà tôi ở có đến 3 siêu thị lớn, nhưng tôi thường chọn điểm bán nào nhiều hàng, giá rẻ để vừa tiết kiệm, vừa tiện dụng. Khi mua hàng tôi xem đầy đủ thông tin trên sản phẩm, ví dụ như nhà sản xuất, hạn sử dụng, cách sử dụng… Vì vậy, tôi chưa gặp phải trường hợp hàng kém chất lượng nào cần khiếu nại”.

Chị Nguyễn Lan Anh (nhà ở đường Nguyễn Trãi nói: “Tôi quan tâm đến các chương trình khuyến mãi, bảo hành, chăm sóc khách hàng. Với những sản phẩm mang tính kỹ thuật, nhiều khi mua được hàng tốt dựa vào may rủi. Nếu không bảo hành, hậu mãi tốt thì người tiêu dùng rất băn khoăn”.

Năm 2016 là năm đầu tiên Chính phủ quyết định chọn ngày 15-3 làm “Ngày vì quyền của người tiêu dùng Việt Nam”. Tuy nhiên, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong công tác bảo vệ người tiêu dùng, ngay từ khi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có hiệu lực nên nhận thức của người mua về quyền của mình ngày càng được nâng cao.

Ông Nguyễn Thái Dũng - Phó Tổng giám đốc Big C Thăng Long cho hay, trung bình mỗi tháng, Big C nhận được 100 cuộc gọi phản ánh về sản phẩm dịch vụ của khách hàng. “Con số này đã giảm khá nhiều so với trước đây, nhưng không phải vì người tiêu dùng đang thờ ơ với quyền lợi của mình, mà vì công tác tuyên truyền quyền lợi người tiêu dùng được đẩy mạnh, khách hàng phản ánh nhiều buộc các doanh nghiệp phải thay đổi chất lượng dịch vụ. Quyền lực của người tiêu dùng quyết định sự sống còn của doanh nghiệp”- ông Nguyễn Thái Dũng chia sẻ.

Thống kê sơ bộ từ Tổng đài Bảo vệ người tiêu dùng 04.1081 cho thấy, từ đầu tháng 3-2016 đến nay, đơn vị này nhận được 1.720 cuộc gọi từ khách hàng hỏi thông tin về chương trình, nhờ tư vấn về 8 quyền của người tiêu dùng. Điều đó cho thấy sự quan tâm của người tiêu dùng đối với quyền lợi của mình ngày càng tăng lên.

Khách hàng cần biết nghĩa vụ của mình

Ông Trần Xuân Thắng - phụ trách kinh doanh hệ thống siêu thị điện máy Pico cho hay, trong 2 ngày 19 và 20-3, Pico đón 13.700 lượt khách hàng đến tham quan, mua sắm. Riêng ngày 19-3, Pico nhận 2.750 đơn hàng, doanh thu đạt 7,5 tỷ đồng, tăng 5-7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đại diện Pico cho biết: “Chúng tôi đẩy mạnh các hoạt động bảo vệ quyền của người tiêu dùng bằng các hoạt động: khuyến mãi, giảm giá, vận chuyển miễn phí, tri ân khách hàng… Riêng chương trình bảo dưỡng điều hòa miễn phí để chào đón mùa hè, Pico dự kiến chỉ bảo dưỡng 2.000 bộ, nhưng nay số lượng khách hàng đăng ký đã cao hơn, vì vậy   chúng tôi sẽ phải làm việc với nhà sản xuất. Ở mỗi điểm bán hàng, Pico đều công bố số hotline của Giám đốc siêu thị, kèm theo số tổng đài chăm sóc khách hàng để tiếp nhận phản ánh của người mua.”.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy - phụ trách bán hàng, cửa hàng trưng bày sản phẩm Kangaroo số 1 Nguyễn Xiển, ngoài các chương trình giảm giá, khuyến mãi sản phẩm của hãng, trong dịp này, khách hàng còn được hưởng các chính sách khuyến mãi, bảo hành như sản phẩm nguyên giá. “Tuy nhiên, bên cạnh việc phải nắm được quyền lợi của mình, khách hàng cũng nên tìm hiểu nghĩa vụ của mình. Chẳng hạn như nghĩa vụ bảo quản sản phẩm, sử dụng sản phẩm đúng hướng dẫn của nhà sản xuất… để khi khiếu nại, nhà sản xuất hỗ trợ nhanh chóng hơn” - đại diện Kangaroo nhấn mạnh. 

5 bước giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng qua Tổng đài 04.1081

*Tiếp nhận thông tin khiếu nại của người tiêu dùng và tư vấn những thông tin người tiêu dùng cần chuẩn bị để thực hiện khiếu nại.

*Kiểm tra các thông tin của người tiêu dùng cung cấp có đầy đủ thông tin để thực hiện khiếu nại hay không và tư vấn cho người tiêu dùng trong trường hợp chưa đầy đủ thông tin.

*Tổng đài 04.1081 kết nối đến doanh nghiệp để doanh nghiệp trực tiếp giải quyết khiếu nại với người tiêu dùng.

*Trong trường hợp doanh nghiệp không giải quyết thỏa đáng hoặc người tiêu dùng không hài lòng với cách giải quyết khiếu nại của doanh nghiệp, Tổng đài 04.1081 sẽ kết nối người tiêu dùng đến Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Hà Nội) hoặc Hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu hoặc Chi cục Quản lý thị trường để giải quyết tận gốc khiếu nại cho người tiêu dùng.

*Tổng đài 04.1081 liên lạc với người tiêu dùng và doanh nghiệp để rút kinh nghiệm sự việc