Làm thế nào để quản lý dòng tiền, thu thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử?

ANTD.VN - Một trong những điểm mới của Luật Quản lý thuế là quy định về việc quản lý thuế trong hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, đặc biệt là đối với nhà cung cấp nước ngoài cung cấp hàng hóa, dịch vụ vào thị trường Việt Nam.

Bịt các lỗ hổng đối với thuế thương mại điện tử

Trao đổi với phóng viên sáng nay, 27/8, ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách (Tổng cục Thuế) đã làm rõ hơn những vấn đề liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT) trong Luật Quản lý thuế sửa đổi.

Theo đó, với chiều cung cấp hàng hóa, dịch vụ từ Việt Nam ra nước ngoài, đây là đối tượng đã đăng ký kê khai và nộp thuế tại Việt Nam, vì vậy cơ quan thuế quản lý, thu thuế như bình thường.

Còn đối với chiều từ nước ngoài về Việt Nam, có 2 trường hợp. Thứ nhất, đối với hàng hoá (dù cung cấp theo phương thức kinh doanh truyền thống hay TMĐT) chịu sự giám giám sát của cơ quan hải quan, thì hải quan sẽ thu các khoản thuế gián thu như: thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (nếu có)...

Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã giao Tổng cục Hải quan xây dựng một đề án về quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT của hàng hóa xuất nhập khẩu.

Đối với thuế trực thu thì còn các nghĩa vụ như thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân thì phải tuân thủ Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp, thuế Thu nhập cá nhân.

Trường hợp thứ hai là hàng hóa, dịch vụ cung cấp từ nước ngoài về Việt Nam không chịu giám sát của cơ quan hải quan thì cơ quan thuế sẽ quản lý để thu (cũng bao gồm các khoản thuế trực thu và gián thu).

Việc quản lý dòng tiền như thế nào để thu thuế hoạt động TMĐT đang là khó khăn của cơ quan quản lý

Trong đó, để quản lý tốt các khoản thuế trực thu với nhà cung cấp nước ngoài có hàng hóa cung cấp vào Việt Nam nhưng không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cơ quan quản lý đã đưa nội dung này vào Điều 4, Khoản 42 tại Luật Quản lý thuế sửa đổi. Theo đó, quy định các nhà cung cấp nước ngoài phải có trách nhiệm đăng ký khai thuế, nộp thuế tại Việt Nam hoặc ủy quyền đăng ký khai, nộp thuế tại Việt Nam.

“Tổng cục Thuế cũng đang nghiên cứu xây dựng để đưa việc đăng kí kê khai nộp thuế lên online trên website của Tổng cục Thuế” – ông Lưu Đức Huy cho biết.

Còn đối với trường hợp nhà cung cấp nước ngoài không đăng kí khai nộp thuế tại Việt Nam, lúc ấy cơ quan thuế mới dùng biện pháp khấu trừ tại nguồn.

Quản lý dòng tiền như thế nào

Theo đó, nếu nhà cung cấp là tổ chức thì thực hiện theo quy định tại Thông tư 103 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện nghĩa vụ thuế áp dụng đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh tại Việt Nam hoặc có thu nhập tại Việt Nam.

Đối với cá nhân thì cơ quan thuế sẽ áp dụng khấu trừ tại nguồn, theo đó vấn đề đặt ra là phải quản lý qua dòng tiền thanh toán của các cá nhân này.

“Để làm được điều này, phải có cơ sở pháp lý để các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép khấu trừ. Tại Khoản 3, Điều 27 Luật Quản lý thuế sửa đổi đã quy định NHTM có trách nhiệm khấu trừ các khoản thu nhập phát sinh tại Việt Nam của các nhà cung cấp nước ngoài. Đây là vấn đề khó, chúng tôi ngoài nghiên cứu quy định của NHNN thì cũng phải phối hợp với NHNN, các NHTM để xác định những tiêu chí, điều kiện để hướng dẫn các NHTM khấu trừ các khoản thuế theo đúng quy định của Luật thuế” – ông Lưu Đức Huy cho biết.

Cũng theo đại diện Tổng cục Thuế, hiện tại NHNN đã có Thông tư hướng dẫn về thanh toán thẻ qua biên giới. “Chúng tôi sẽ báo cáo Bộ Tài chính phối hợp với NHNN làm sao phối hợp để thực hiện việc quản lý hoạt động thanh toán của các thẻ này cho phù hợp với thông lệ quốc tế. Từ đó mới có cơ sở để hướng dẫn các NHTM khấu trừ tại nguồn với các thanh toán, giao dịch TMĐT xuyên biên giới này” – ông Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế cho biết.

Về biện pháp quản lý dòng tiền, cơ quan quản lý cho biết, khuyến khích các nhà cung cấp nước ngoài đăng ký kê khai thuế tại Việt Nam. Đồng thời, Quốc hội cũng đã thông qua Luật An ninh mạng, quy định các tổ chức kinh doanh TMĐT cung cấp hàng hóa tại Việt Nam phải lưu trữ dữ liệu, thành lập văn phòng đại diện hoặc chi nhánh tại Việt Nam.

“Điều này sẽ tạo ra cơ sở để chúng ta có quyền yêu cầu họ đăng ký kê khai nộp thuế tại Việt Nam. Tổng cục Thuế mong muốn nhà cung cấp nước ngoài thực hiện theo hướng này” – đại diện Tổng cục Thuế nhấn mạnh.

Cũng theo cơ quan quản lý thuế, để đồng bộ cần có sự phối hợp của các bộ, ngành như: Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông, NHNN…

Ngoài ra, trong Luật Quản lý thuế sửa đổi cũng bổ sung quy định hỗ trợ thu thuế của cơ quan thuế các nước. Theo đó, cơ quan thuế Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan thuế nước ngoài hỗ trợ thu thuế với đơn vị kinh doanh nước ngoài có nợ thuế ở Việt Nam và ngược lại.